Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Rất nguy hiểm khi trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi

Một số trường hợp trẻ bị ngộ độc do thuốc nhỏ mũi trong thời gian gần đây đã khiến không các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng cho sự an toàn của con em mình.

Thực tế, hầu hết các trường hợp bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi đều do sự bất cẩn hoặc thiếu hiểu biết của bố mẹ.

Không nên tự tiện dùng thuốc nhỏ mũi cho trẻ

Vừa qua, bệnh viện nhi BV Nhi đồng 2, TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 29 tháng tuổi bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazoline. Bệnh nhi là bé N.P.L được đưa đến cấp cứu tại BV Nhi đồng 2 trong tình trạng lơ mơ, ngủ gà, nhịp tim chậm và không đều. Người nhà bệnh nhi cho biết khi bé có biểu hiện nghẹt mũi, thở khò khè, mẹ bé đã ra hiệu thuốc gần nhà và được tư vấn dùng thuốc nhỏ mũi Naphazoline với liều lượng nhỏ 2 giọt/ngày. Tuy nhiên, sau khi nhỏ thuốc Naphazoline được vài ngày thì bệnh nhi có biểu hiện bất thường như trên, gia đình vội vã đưa đi cấp cứu tại BV.

Trước đó, đầu tháng 6/2014, BV Nhi Đồng 2, TPHCM cấp cứu cho một bệnh nhi T.H.T.B (2 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi. Bé B nhập viện trong tình trạng vã mồ hôi, cao huyết áp, nhịp tim nhanh, co mạch sau khi được bố nhỏ thuốc nhỏ mũi. Theo các bác sĩ, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhi dễ bị xuất huyết não gây tử vong.

Rất nguy hiểm khi trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi - rat-nguy-hiem-khi-tre-bi-ngo-doc-thuoc-nho-mui.jpg

Hầu hết các trường hợp bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi đều do sự bất cẩn hoặc thiếu hiểu biết của bố mẹ. Ảnh minh họa

Rất nguy hiểm khi không biết cách nhỏ mũi đúng cho con

Theo BS chuyên khoa nhi Vân Anh, thuộc Truyền thông Sở Y tế Hà Nội, do thành phần Naphazoline chứa trong thuốc nhỏ mũi của người lớn mà hai cháu nhỏ sử dụng có tác dụng giúp giảm nhanh nghẹt mũi nhờ tác dụng co mạch. Nhưng cũng chính chất này sẽ gây nguy hiểm nếu dùng cho trẻ nhỏ.

Biểu hiện của trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi là vã mồ hôi, tay chân lạnh, nhanh chóng rơi vào trạng thái lừ đừ, hôn mê, thở yếu. Thậm chí có những dấu hiệu nặng như ngưng thở từng cơn, nhịp tim không đều. Những triệu chứng trên có thể dẫn đến tai biến nghiêm trọng nếu trẻ không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Naphazoline là thuốc có tác dụng làm co mạch tại chỗ nhanh và kéo dài, giảm sưng và sung huyết niêm mạc. Sau khi nhỏ dung dịch Naphazoline tác dụng co mạch giảm nghẹt mũi tức thì. Tuy nhiên thuốc có thành phần Naphazoline chống chỉ định tuyệt đối với trẻ dưới 2 tuổi vì khi sử dụng loại thuốc có chứa thành này đối với trẻ nhỏ tuổi rất dễ gây ra sốc phản vệ dẫn đến tử vong cao. Còn với trẻ trên 2 tuổi thì sử dụng tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Các bậc cha mẹ không tự ý mua thuốc nhỏ mũi cho con và cũng không được sử dụng dài ngày một loại thuốc nhỏ mũi vì sẽ khiến các bệnh về mũi của trẻ tăng nặng.

Chính vì thế khi bị các bệnh về mũi chúng ta nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng loại thuốc gì để phù hợp với tầng bệnh lý của trẻ. Nhất thiết không được tự ý mua thuốc ở ngoài về điều trị sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng như các trường hợp trên.

Khi trẻ sổ mũi chúng ta nên dùng nước muối sinh lý 0.9% là dung dịch để vệ sinh mũi, có tác dụng làm ẩm niêm mạc mũi trong trường hợp không khí khô và ô nhiễm, làm long đờm, loãng đờm khi mũi bị viêm. Sử dụng nước muối để vệ sinh mũi rất an toàn, không có tác dụng phụ. Nên vệ sinh mũi khi trẻ có các biểu hiện hoặc mắc các bệnh về viêm đường hô hấp như: Chảy nước mũi, ngạt mũi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, ho, viêm tai giữa… khi trẻ đi ngoài đường về bụi bẩn.

Muốn nhỏ mũi cho trẻ trước tiên phải vệ sinh mũi sạnh sẽ sau đó đặt trẻ nằm nghiêng đầu sang một bên để xịt hoặc có thể đặt trẻ lên đùi chân hơi thấp xuống để xịt hoặc nhỏ cho trẻ. Sau khi xịt, nhỏ xong dùng dụng cụ hút mũi hút sạch dịch nhầy ở hai lỗ mũi. Không nên dùng miệng để hút mũi trẻ vì sẽ lây lan thêm mầm bệnh cho trẻ. Với trẻ lớn hơn, có thể để trẻ ngồi, nghiêng đầu sang một bên để xịt sau đó thì xì sạch mũi.

Theo Bs Vân Anh khoang mũi của bé ngắn và nhỏ, đường mũi hẹp, nhiều mạch máu, khả năng thích ứng kém, chỉ hơi bị lạnh thôi là có thể bị ngạt mũi, bé phải thở bằng mồm nên việc bú sữa rất vất vả.

Khi bé bị ngạt mũi, phải kịp thời áp dụng các biện pháp sau: nhỏ một chút nước muối sinh lý vào khoang mũi của bé, chờ sau khi gỉ mũi mềm ra, thì lấy tăm bông kích thích vào mũi để bé hắt xì và làm bắn gỉ mũi ra, hoặc dùng tăm bông, gạc nhúng nước sạch lau dần khoang mũi của bé cho đến khi sạch hết gỉ.

Khi thực hiện vệ sinh hoặc nhỏ mũi cho con, cần chú ý động tác phải nhẹ nhàng, không được mạnh tay làm tổn thương đến niêm mạc mũi, làm mũi bé chảy máu. Các trường hợp nặng phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét