Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Vỉa hè Hà Nội xuống cấp: Sẽ quy trách nhiệm cụ thể chotừng địa bàn

Hàng năm, TP. Hà Nội đầu tư hàng trăm tỷ đồng để làm mới vỉa hè và cũng "ngốn" nhiều tỷ đồng để khắc phục sự xuống cấp nhanh chóng của vỉa hè. Rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, song chưa thấy ai dám chịu trách nhiệm.

Vỉa hè Hà Nội xuống cấp: Sẽ quy trách nhiệm cụ thể cho từng địa bàn - 2014_211_15_a1.jpg
Việc sửa chữa, cải tạo hè đường phải đảm bảo đồng bộ góp phần xây dựng Thủ đô văn minh hiện đại

Con số tiền "khủng" TP. Hà Nội công bố cho thấy sự quan tâm đối với bộ mặt Thủ đô luôn được coi trọng. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến 2013, TP. Hà Nội đã chi gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa vỉa hè cho 4 quận nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Bản thân các quận cũng có những kế hoạch đầu tư sửa sang vỉa hè, với nguồn vốn rút từ ngân sách lên tới cả trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, hè vừa lát xong đã hỏng. Nhiều nơi chắp vá, thậm chí để nguyên sự hỏng hóc, dường như là sự "cha chung không ai khóc". Như tại tuyến đường Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Thụy Khuê, Kim Ngưu, Ô Chợ Dừa, Hoàng Cầu… vỉa hè bị cày sới, gạch lát đường bị bật tróc, nhiều m2 vuông vỉa hè vừa sửa lại tiếp tục hỏng.

Phố "quần áo sida" Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng), người dân bán hàng vô tội vạ trên vỉa hè (đặc biệt lúc sẩm tối đến đêm) vỉa hè vì thế không chịu nổi "nhiệt", trở nên tróc vảy, nham nhở. Một thành viên doanh nghiệp môi trường quận Hai Bà Trưng cho biết, sáng ra tại những khu vỉa hè này không khác gì bãi chiến trường. Nhiều viên gạch lát đường vừa chốt xuống lại bật lên, gồ ghề, vỡ vụn. Xe tuần tra của công an phường, thậm chí 113 tuần tra liên tục nhưng rồi người dân tiếp tục bán. Ở đây, mỗi mét vuông là tiền và chắc chắn chính quyền phải hưởng lợi mới để tình trạng này luôn tiếp diễn. Hè phố là kinh doanh, đồng nghĩa hè phố bị tàn phá. Bán hàng lấn chiếm vỉa hè, dừng đỗ xe sai quy định, lấy vỉa hè làm điểm trông xe… tất cả là nguyên nhân dẫn đến vỉa hè bị tàn phá. Tất nhiên, cũng còn một nguyên nhân do thi công ẩu, ăn bớt, đơn cử như vỉa hè Ô Chợ Dừa, Hoàng Cầu. Song "sức ép" ấy thấp hơn rất nhiều so với những "nội tại đô thị" kể trên, đang biến một phần bộ mặt Thủ đô trở thành méo mó.

Trả lời cho bài toán vỉa hè, cần phải lý giải vì sao còn bán hàng trên phố, vì sao còn nhiều điểm trông giữ xe bất hợp lý, vì sao còn những con đường, công trình xây dựng dở dang… cuối cùng mới là ý thức người dân. Dân có đường thông thoáng để đi, không ai tự phá "bộ mặt" nơi bản thân gia đình mình sẽ hưởng thụ trên những vỉa hè ấy. Sự đồng nhất và chiến lược phát triển mới tiên quyết để gìn giữ vìa hè, lòng đường, những nguyên tắc cần thiết nhưng lại quá xa vời với Hà Nội hiện nay.

Tuấn Việt

Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều 29-7, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (Ban QLDA) Nguyễn Sĩ Bảo cho biết, công tác khắc phục những bất cập của vỉa hè dự án đường Vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu) đến nay đã hoàn thành. Theo đó, đối với một số vị trí hè bị hỏng, chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công chỉnh sửa các nắp ga đảm bảo bằng so với mặt hè; thay thế 165m2 diện tích gạch lún vỡ. Cao độ vỉa hè nhiều điểm trước cửa nhà dân chưa thuận tiện cho xe lên xuống cũng được xử lý hạ bó vỉa lại cho phù hợp. Kinh phí cho hai hạng mục này là trên 70 triệu đồng, do nhà thầu chịu trách nhiệm không phải lấy từ ngân sách nhà nước.

N. Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét