Bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng cho hơn một cây số vỉa hè, và cũng một số tiền không nhỏ từ ngân sách nhà nước chi ra để làm một đường ống cung cấp nước sạch cho hàng chục ngàn hộ dân Thủ đô, nhưng chất lượng của các công trình này lại không tương xứng với kinh phí đầu tư: Vỉa hè vừa làm xong đã bong tróc nham nhở, đường ống nước vỡ liên tiếp đến 9 lần và cũng không ai dám chắc không còn tiếp tục vỡ…
Đào xới đường, võ ống nước liên miên khiến người dân bức xúc
Điểm mặt những công trình tai tiếng
Trong cả 9 lần đường ống bị vỡ, người ta đều thấy sự vào cuộc gấp rút của cơ quan chức năng để khắc phục sự cố. Nhưng sự vá víu ấy cũng không thành công, vì qua gần chục lần vỡ ống nước, cả trăm ngàn hộ gia đình người Hà Nội đã bị mất nước sinh hoạt trong không ít ngày. Lần vỡ thứ 8, người dân khu Trung Hòa- Nhân Chính đã phải bỏ ra 30.000 đồng để mua 1 can nước sạch 20 lít.
Là một công trình giao thông trọng điểm của thủ đô được ưu ái đầu tư một số vốn khổng lồ, chắc hẳn không ít người kỳ vọng con đường "đắt nhất hành tinh" này sẽ góp phần không nhỏ tạo nên sự khang trang bộ mặt Thủ đô. Song thực tế lại rất đáng thất vọng vì chỉ vài tháng sau khi thông xe đoạn đường này (tháng 12-2013), vỉa hè hai bên đường đã bị sụt lún, gạch vỡ, nứt, nham nhở, lem nhem…
Câu chuyện vỉa hè của con đường "triệu đô" bị sụt lún còn chưa tạm lắng, thì "song hành" cùng nó lại là chuyện đường ống cấp nước Sông Đà liên tục bị vỡ, tính đầu năm đến nay. Lần gần nhất (ngày 10-7 vừa qua) mới khắc phục xong, thì đến sáng 12-7, đường ống này lại vỡ tiếp lần thứ…9. Và trong cả 9 lần đường ống bị vỡ, người ta đều thấy sự vào cuộc gấp rút của cơ quan chức năng để khắc phục sự cố. Nhưng sự vá víu ấy cũng không thành công, vì qua gần chục lần vỡ ống nước, cả trăm ngàn hộ gia đình người Hà Nội đã bị mất nước sinh hoạt trong không ít ngày. Lần vỡ thứ 8, người dân khu Trung Hòa- Nhân Chính đã phải bỏ ra 30.000 đồng để mua 1 can nước sạch 20 lít.
Sau sự cố vỡ đường ống lần thứ 8, hôm 10-7, UBND TP. Hà Nội đã đi đến quyết định rằng, sẽ triển khai đường ống cấp nước thứ 2 để cứu người dân Thủ đô thoát khỏi cảnh "phập phù nước sạch". Trong quyết định này UBND Hà Nội "giao hẹn" với Vinaconex - đơn vị đã thi công đường ống cấp nước Sông Đà rằng nếu trong tháng 9 (năm 2014), Vinaconex không triển khai xong đường ống cấp nước số 2, Thành phố sẽ trực tiếp đứng ra làm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cam kết, sẽ giám sát chặt chẽ mọi khâu, từ thiết kế tới thi công, nghiệm thu tuyến ống số 2 này, đảm bảo chất lượng và an toàn trong quá trình vận hành, không để tái diễn tình trạng lo vỡ, bục ống như tuyến số 1 hiện nay. Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu Vinaconex nghiên cứu đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đà giai đoạn II, với công suất 300.000m3/ngày, đêm, nâng gấp đôi mức công suất hiện tại.
Cũng liên quan đến sự cố đường ống cấp nước Sông Đà thời gian qua, sau khi xảy ra việc vỡ đường ống hồi trung tuần tháng 4, Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan phải vào cuộc kiểm tra, đánh giá chất lượng tuyến ống và làm rõ nguyên nhân sự cố vỡ ống tiềm ẩn từ các công đoạn: Khảo sát, thiết kế, thi công, vận hành. Bộ Xây dựng cũng yêu cầu, tất cả các công đoạn nói trên, các đơn vị liên quan phải hoàn thành trước ngày 30-5-2014. Như vậy, rõ ràng, nhà quản lý đã vào cuộc và tìm cách khắc phục song dường như tất cả vẫn chỉ là hình thức, khi mà đường ống cấp nước Sông Đà vẫn tiếp tục vỡ thêm nhiều lần nữa.
"Cha chung không ai khóc"
Quay trở lại với con đường được mệnh danh là "đắt nhất hành tinh", trước thực tế con đường vừa được đưa vào sử dụng đã bị sụt lún vỉa hè hai bên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã yêu cầu kiểm điểm các đơn vị có liên quan. Đề cập đến chất lượng đầu tư, thi công, sử dụng hè phố, ông Nghị cho biết lý do lãnh đạo thành phố chọn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa để đi kiểm tra và nhận định: "Thực tế, những nơi khác hỏng cũng nhiều lắm. Nhưng vì đây là đường Vành đai I, là dự án trọng điểm có suất đầu tư rất cao, vì đây là mới làm xong. Cái nơi đáng nhẽ phải làm tốt nhất nhưng lại không đạt được điều đó". Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc khảo sát, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, thi công, giám sát và nghiệm thu công trình. Qua đó kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan để xảy ra hậu quả do sai phạm, thi công cẩu thả.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, đây chưa phải là đoạn đường kém nhất. Điều đó cũng đồng nghĩa với một thực tế, còn nhiều đoạn đường, công trình xây dựng cơ bản có chất lượng yếu và kém hơn, được thi công một cách cẩu thả, vội vã chứ không chỉ riêng con đường đáng giá "triệu đô" này.
Trên thực tế, chất lượng những công trình xây dựng cơ bản thực sự đang bộc lộ quá nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Con đường đắt nhất hành tinh hay đường ống cấp nước Sông Đà chỉ là số ít trong những công trình chất lượng yếu, kém đang tồn tại ở Thủ đô. Và cũng không chỉ ở Hà Nội.
Vỉa hè Hà Nội liên tục bị đào lên hạ xuống,
ảnh hưởng tới đời sống người dân
Mặc dù, các nhà quản lý đã vào cuộc xử lý, kiểm điểm…, nhưng đã đến lúc cần phải nghiêm khắc hơn với tất cả những cá nhân, tổ chức tham gia vào việc thi công những công trình tai tiếng ấy. Bởi, nếu không có một hình thức xử lý nghiêm khắc, mạnh tay hơn, thì ai có thể dám chắc đường ống cấp nước Sông Đà được khắc phục thay thế bằng đường ống khác sẽ không xảy ra sự cố tương tự? Ai có thể dám chắc, vỉa hè của đoạn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu không bị sụt lún tiếp ngay sau khi đã được khắc phục?
Đáng nói là, tất cả các công trình xây dựng cơ bản nói trên đều lấy kinh phí từ ngân sách nhà nước, cũng là tiền đóng thuế của dân, mồ hôi, nước mắt của dân. Phải chăng, cũng chỉ vì lý do không phải là "cha của mình" nên chất lượng các công trình cơ bản lâu nay vẫn bị bỏ ngỏ, để rồi cuối cùng người dân vẫn là đối tượng chịu khổ nhiều nhất khi tiền của mình đóng góp vào đó mà không được thụ hưởng một công trình có chất lượng tương xứng.
Duy Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét