Bộ lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức công bố "Bản tin thị trường lao động Việt Nam - Số 2, Quý 2/2014" vào sáng ngày 1/7.
Học sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.
Ảnh Văn Chung
Đáng chú ý, nhóm lao động trình độ cao tiếp tục khó khăn khi tìm việc làm, có 162,4 nghìn người có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp; 79,1 nghìn người có trình độ cao đẳng bị thất nghiệp.
Đặc biệt, bản báo cáo ghi nhận tình trạng thất nghiệp thanh niên tiếp tục là vấn đề cần quan tâm, có 504,7 nghìn thanh niên từ 15-24 tuổi bị thất nghiệp, chiếm 6,66%, tăng 54,4 nghìn người so với Q4/2013. Ngoài ra, tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn là 3,4%, cao gấp 1,2 lần sao với cả nước; của lao động trong nhóm ngành nông – lâm nghiệp và thủy sản là 4,7%, của nhóm lao động gia đình là 4.1% và lao động tự làm là 3.1%.
Bên cạnh đó, trong Quý 1/2014 có gần 1,3 triệu lao động thiếu việc làm. Số giờ làm việc thực tế bình quân của nhóm "lao động thiếu việc làm" là 22,3 giờ/ tuần, chỉ bằng 53% so với lao động cả nước (42,3%), trong đó 42,2% làm việc dưới 20 giờ/ tuần.
Số liệu bản tin cho biết, đến hết Q1/2014, cả nước có 8,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 86,7 nghìn người đăng ký thất nghiệp, trong đó: 75,3 nghìn người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng; 5,6 nghìn người được hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần…
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, ông Doãn Mậu Diệp, nhận định Bản tin cập nhật thị trường lao động Số 2, Quý 2/2014 đã cung cấp khá chi tiết và đầy đủ các số liệu về cung lao động, tiền lương, thất nghiệp, thiếu việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài, thu nhập của lao động làm công ăn lương, các số liệu về cung cầu lao động... Đây là nguồn số liệu có ích giúp các nhà quản lý và hoạch định chính sách đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến động kinh tế đến lao động trong cả nước, trong từng vùng, cũng như từng tỉnh, thành phố nhằm kịp thời đưa ra những giải pháp trong từng giai đoạn cụ thể. Bên cạnh đó, giúp các Bộ, ngành, các tổ chức có liên quan nghiên cứu chuẩn bị nhân lực đáp ứng nhu cầu của Bộ, ngành và quốc gia; giúp các công ty nghiên cứu quyết định đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh, đồng thời giúp cho người lao động có định hướng nghề nghiệp, các trường học cũng như các em học sinh có sự lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
Ngân Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét