Chuyện thi tuyển công chức đã từ lâu âm ỉ những điều tiếng không hay, nhưng phải đến lúc việc thi tuyển công chức ở Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phát lộ tiêu cực, cùng thông tin trên nhiều tờ báo nêu việc tố cáo thi tuyển công chức ở Cục Quản lý cạnh tranh cũng của bộ này có tiêu cực, và việc Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội - gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ thanh tra toàn diện việc tuyển dụng công chức của Bộ Công Thương thì việc thi tuyển công chức trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nhất là những ngày vừa qua, Tổng cục Thuế đang mở đợt thi tuyển 1.796 công chức với sự tham gia của hơn 30.000 thí sinh đang dấy lên câu hỏi: Thi tuyển công chức có minh bạch và còn phù hợp?
Tặng cả đề thi lẫn lời giải
Theo ông Nguyễn Đình Tấn - Cục trưởng Cục Thuế TPHCM - sau 5 ngày nhận hồ sơ tuyển dụng công chức (từ ngày 11-15.8) cơ quan này đã nhận được hơn 5.700 hồ sơ, trong khi năm nay Cục Thuế TPHCM được phân bổ tuyển dụng 538 chỉ tiêu công chức. Ông Tấn cho biết thêm: Hằng năm, tổng số cán bộ thuế xin ra khỏi ngành cùng số cán bộ về hưu khoảng hơn 200 người. Do đó, chỉ tiêu tuyển hằng năm chỉ mới đáp ứng phần nào những vị trí còn thiếu. Về khâu tổ chức thi tuyển, ông Tấn cho biết sẽ diễn ra rất chặt chẽ. Sau khi chốt số lượng ứng viên, ngành sẽ tổ chức thi 5 môn. Theo Tổng cục Thuế, kỳ thi tuyển sẽ được Bộ Tài chính tổ chức tổ giám sát chặt chẽ, không có chuyện ưu ái cho con em trong ngành, mà chỉ ưu tiên cho con em gia đình chính sách như con thương binh, liệt sĩ.
Trở lại chuyện thi tuyển công chức 2013 của Cục Quản lý thị trường. Dù chỉ có 299 thí sinh tham gia thi tuyển để chọn ra 10 chỉ tiêu, cơ quan này đã tổ chức hội đồng thi theo đúng quy định; cũng công bố nội quy thi tuyển rộng rãi... Vậy mà người trong ban tổ chức cuộc thi đã gửi cho thí sinh qua email cả đề thi lẫn lời giải kèm theo lời nhắn "chúc cháu thi thành công"(?). Trước đó, vụ tiêu cực trong thi tuyển công chức xảy ra tại huyện Ứng Hòa lộ diện khi cơ quan chức năng phát hiện có hiện tượng nâng điểm cho 16 thí sinh dự tuyển chỉ tiêu giáo viên khối tiểu học ở huyện này. Đây chỉ là một trong số những vụ thi tuyển công chức có tiêu cực "bị lộ". Liệu còn có bao nhiêu chuyện tiêu cực trong việc thi tuyển công chức đã được ém nhẹm? Và còn những "khe hở" nào để xảy ra tiêu cực trong thi tuyển công chức. Điều này làm dư luận đặt câu hỏi: "Việc thi tuyển công chức có còn phù hợp?
Có nên tiếp tục thi tuyển công chức?
Đó là câu hỏi được PV Báo Lao Động đặt ra với ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ. Ông Cương cho biết: Mục đích của việc thi tuyển công chức là rất rõ ràng và rất tiến bộ. Việc tổ chức thi cho đàng hoàng để chọn ra người xứng đáng thì quá tốt. Thế nhưng, những người thực thi việc thi tuyển cứ lồng lợi ích cá nhân vào, khiến cho việc thi tuyển công chức không bao giờ có thể tốt được. Một khi đã có dụng ý thì dù trong bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào người ta cũng có thể làm sai lệch đi kết quả thi tuyển. Không chỉ là lộ đề nữa mà ngay khi cả quá trình thi, mọi bước đều thực hiện rất tốt thì đến lúc chấm thi, kết quả cũng có thể bị làm sai lệch đi. Chỉ cần chênh nhau nửa điểm, người được vào bộ máy công chức nhà nước, kẻ bị trượt. Vì vậy, suy cho cùng, nguyên nhân mấu chốt của việc thi tuyển công chức không minh bạch là do người có quyền để quyết định việc tổ chức thi công chức không nghiêm túc. Một khi đã không nghiêm túc thì dù có quy định như thế nào người ta cũng có "chiêu" để... lách.
Về quy trình thi tuyển công chức, Bộ Nội vụ có nói đến chuyện thí điểm thi trên máy tính và cho rằng kết quả sẽ minh bạch. Thế nhưng, con người làm ra máy móc, làm ra phần mềm, nếu muốn can thiệp thì dễ. Chỉ cần dùng một máy chủ là đã có thể can thiệp toàn bộ vào kết quả thi. Cho nên, cốt lõi vẫn là bản thân người tuyển dụng có muốn tuyển dụng tốt hay không, muốn tuyển dụng người có năng lực không, hay chỉ muốn tuyển con, cháu, người quen... thậm chí là thông qua một kênh nào đó để tiêu cực, chứ chẳng cần biết người được nhận vào sẽ làm việc thế nào.
Nếu người ta thực sự vì muốn tốt cho bộ máy thì sẽ làm thực sự minh bạch và công bằng, khi ấy mục đích thi sẽ đạt được - sẽ chọn được người tốt. Tất nhiên là không phải người nào thi tuyển dụng đạt điểm cao thì cũng là tốt cả. Người ta vẫn nói "học tài thi phận", có thể thi điểm rất cao nhưng chưa chắc làm việc đã tốt, nhưng việc đó là việc nói sau.
Trước câu hỏi: Việc thi tuyển công chức minh bạch sẽ làm giảm bớt gánh nặng cơ cấu bộ máy nhà nước, giúp cho bộ máy bớt cồng kềnh và vận hành hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Sỹ Cương khẳng định: "Hoàn toàn rất đúng". Thông qua thi tuyển để chọn ra những người tốt, hiệu quả làm việc còn được quyết định bởi cách quản lý, sử dụng nhân lực sau này nữa. Nếu đưa một người có năng lực vào bộ máy mà không quản lý tốt, không sử dụng người ta tốt, thì người ta làm bậy thì cũng không đem lại kết quả gì – ông Cương nhấn mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét