Đại biểu QH góp ý quy định đấu thầu thuốc trong dự thảo Luật đấu thầu:
Các vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế một lần nữa lại làm nóng phiên họp chiều 30.10 khi Quốc hội thảo luận dự thảo Luật đấu thầu. Nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về mục đấu thầu thuốc mới được bổ sung.
Giá thầu thuốc cao hơn giá thị trường
Ông Nguyễn Văn Tiên, đại biểu Tiền Giang, cho rằng, dự thảo báo cáo Luật đấu thầu trình ra trước Quốc hội đã tiếp thu kỹ lưỡng các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, đặc biệt việc bổ sung mục về đấu thầu thuốc. Tuy nhiên, quy định dự thảo liệu có hữu ích để giúp giá thuốc khi đã qua đấu thầu không bị kêu ca, phàn nàn thì vẫn cần kiểm nghiệm thực tế.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên nêu ra thách thức lớn, khi cả cơ quan soạn thảo và thẩm tra chưa đề ra được đánh giá tác động về quy định mới trong đấu thầu thuốc. "Nếu cứ quy định như dự thảo thì không có điều gì mới, trừ nguyên tắc đàm phán giá, mà tương lai triển khai rất mù mịt do không có quy định lộ trình, số lượng, chủng loại cần đấu thầu, đàm phán. Vì vậy, thích thì làm, không thích thì đợi bởi như thế họ cũng chẳng vi phạm pháp luật" - ông nhận định.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề cập vấn đề giá thuốc trong bệnh viện, hay gần đây nhất là vấn đề đấu thầu giá thuốc bảo hiểm y tế gần 15 năm qua là điểm nóng ở nghị trường và các diễn đàn xã hội. Nguyên nhân, theo ông dẫn giải, là bởi giá thầu thuốc cao hơn giá thị trường và đã có sự bất cập về giá giữa các bệnh viện ngay trong một tỉnh.
Vai trò của BHXH như người trả tiền ở đâu?
Ông Tiên cho rằng, vấn đề xử lý đấu thầu mua thuốc từ nguồn BHYT là vô cùng quan trọng, khi hiện có 1.143 loại thuốc và hoạt chất do quỹ BHYT chi trả. Đại biểu Tiên yêu cầu cần xét xem ai là người thực sự kiểm soát chịu trách nhiệm về giá thuốc và chủng loại thuốc BHYT.
Theo ông Tiên, năm 2013, tất cả các bệnh viện, bộ ngành tham gia BHYT đều không ai biết giá thuốc BHYT thanh toán cao đến đâu, trừ cơ quan BHXH vì họ là người chi trả tiền thuốc và có hệ thống dọc trên cả nước. "Khi lên một khung giá thuốc trên cả nước giữa các bệnh viện, các tỉnh thì mới thấy rất bất cập. Vậy vai trò của BHXH Việt Nam trong vai người trả tiền sẽ như thế nào?" - ông đặt câu hỏi.
Năm 2012 số tiền để trả tiền thuốc BHYT là 20.000 tỉ trong số 33.000 tỉ chi ra thì BHXH kiểm soát việc thanh toán này, việc đấu thầu này như thế nào? "Chẳng nhẽ BHXH lại cứ lẽo đẽo đi theo hậu quả, và lúc nào cũng lên báo chí kêu ca giá thuốc chỗ này cao, giá thuốc chỗ kia thấp. Tôi nhất trí cần có trách nhiệm của cơ quan, chứ cứ để thế này không biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm, giải quyết. Cần chỉ ra cơ quan cụ thể để sau này có vấn đề xảy ra thì cơ quan đó phải giải trình" - ông Tiên yêu cầu.
Việt Nam hiện đã có 70% dân số có BHYT. Đại biểu Tiên cho rằng, trách nhiệm cần được chia chung giữa BHXH và Bộ Y tế, nhưng BHXH phải chịu trách nhiệm chính. Ông đề nghị dự thảo Luật đấu thầu cần đưa thêm quy định trách nhiệm của BHXH, hoặc phải có lộ trình rõ ràng cho Bộ Y tế đàm phán giá, lúc nào làm, làm bao nhiêu loại.
Đại biểu Tiên khuyến nghị, BHXH phải tham gia mọi khâu của quy trình đấu thầu thuốc BHYT, vì họ chịu trách nhiệm thì phải xem quy trình có được làm nghiêm túc không. Ông cũng cho rằng, BHXH cần có quyền không chi trả BHYT, nếu như cùng loại thuốc, nhưng có những nơi cao hơn quá mức so với mặt bằng chung của cả nước. "Có nơi cao gấp 2-3 lần mà vẫn phải trả vì giấy tờ đều đúng cả" - ông Tiên nói.
"... Bộ Y tế sẽ mang tiếng suốt"
Trong dự thảo cũng có quy định về Hội đồng đấu thầu thuốc, nhưng nếu hội đồng này do Bộ Y tế làm chủ tịch thì tôi nghĩ không có hiệu quả. Vì trong kiểm soát giá thuốc, chưa bao giờ Bộ Y tế kêu ca về giá thuốc cao. Theo ông Tiên, Bộ Y tế và Bộ Tài chính luôn đá quả bóng trách nhiệm cho nhau, vì vậy Hội đồng này phải do Bộ Tài chính hoặc BHXH làm chủ tịch mới có hiệu quả. "Nếu cứ để Bộ Y tế sẽ không hiệu quả và Bộ Y tế sẽ mang tiếng suốt" - ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét