BHXH chưa hấp dẫn người tham gia
Thùy Dung
Nhiều ý kiến đưa ra xung quanh dự thảo luật BHXH sửa đổi - Ảnh: Thùy Dung |
(TBKTSG Online) - Sau hơn 6 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), đến nay mới có khoảng 20% lực lượng lao động tham gia. Ngoài những nguyên nhân do cơ chế quản lý chưa chặt chẽ, còn do những bất cập nội tại trong cơ chế hoạt động của quỹ BHXH như thiếu minh bạch, thiếu công bằng nên không hấp dẫn người tham gia...
Những lý do này được nêu ra tại buổi tọa đàm "Giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH trong sửa đổi Luật BHXH" diễn ra ngày 2-10 tại Hà Nội. Vấn đề làm sao để BHXH có thể thu hút được nhiều đối tượng tham gia hơn cũng đã được các chuyên gia đưa ra thảo luận.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đến cuối năm 2012, mới chỉ có khoảng hơn 10 triệu người tham gia BHXH, chiếm 20% lực lượng lao động. Trong đó, chỉ có khoảng chưa đầy 0,15 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm gần 0,3% lực lượng lao động. Đây là một tỷ lệ rất thấp.
Điều này cũng có nghĩa là trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu mà không có lương hưu. Gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, đó là phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người để hỗ trợ cho cuộc sống của họ.
Riêng năm 2011, tổng số người từ 80 tuổi hưởng trợ cấp xã hội là trên 1,3 triệu người với kinh phí là 2.954 tỉ đồng. "Do vậy, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH phải được xem là ưu tiên hàng đầu của chính sách BHXH với mục tiêu đến năm 2015 có 33% lực lượng lao động tham gia BHXH và năm 2020 là 50%", ông Lợi nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho hay, để đạt được mục tiêu này là hết sức khó khăn và thách thức, đòi hỏi phải có một lộ trình thực hiện mở rộng đối tượng với chỉ tiêu theo từng năm và đồng thời phải thực hiện sửa đổi, bổ sung nhiều chế độ BHXH cả bắt buộc và tự nguyện để chính sách thu hút, hấp dẫn với người lao động ở cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động.
Theo đó, trong dự thảo Luật BHXH dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2014 có bổ sung nhiều đối tượng tham gia tham gia BHXH bắt buộc như người lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên; chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp....đồng thời tăng mức xử phạt đối với những đối tượng trốn đóng và nợ đọng BHXH.
Theo số liệu mới nhất của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 8-2013, số nợ BHXH là 6.767 tỉ đồng, chiếm 7,9% số phải thu trong năm 2013; trong đó, nợ trên 6 tháng là 3.354 tỉ đồng.
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, sự không minh bạch cũng như sự bất công bằng trong thụ hưởng chế độ BHXH khiến nhiều người không mặn mà tham gia, đặc biệt là đối tượng không bắt buộc.
Theo ông Nguyễn Thế Huệ, Viện trưởng Viện nghiên cứu người cao tuổi, việc trả lương hưu đang tạo bất bình đẳng giữa các đối tượng. Trong khi những người tham gia hoạt động cách mạng trước 1954 được hưởng 100% lương hưu; cán bộ cấp cao được hưởng 100% lương và nhiều chế độ khác; cán bộ công chức, viên chức được tính lương hưu dựa trên 5 năm cuối cùng trong khi đó, công nhân thì lại lấy tổng lương của cả quá trình làm việc chia trung bình để tính lương hưu.
Ông Huệ thêm rằng, tâm lý của của người lao động không muốn đóng BHXH và muốn lấy ngay tiền BHXH và BHYT cơ quan, xí nghiệp đóng để bù vào mức lương thấp và tích lũy gửi tiết kiệm, nếu có chết thì con cháu họ được hưởng.
Theo các chuyên gia, để tăng cường độ bao phủ của BHXH, cần sửa đổi luật BHXH theo hướng quy định mức đóng, thời gian đóng BHXH cho nông dân, cho người lao động tự do, người buôn bán...vì đây là lực lượng lao động rất đông đảo.
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, cho rằng hạn chế lớn nhất của Luật BHXH hiện hành là không thể mở rộng được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, không đa dạng hóa các loại hình. Do đó để thu hút nhiều người tham gia BHXH đảm bảo an sinh xã hội ổn định bền vững cần tách chế độ ốm đau, thai sản sang Luật BHYT; chế độ tai nạn lao động; chế độ bảo hiểm thất nghiệp vào Luật Việc làm.
Ông Lợi nhấn mạnh: "Luật BHXH chỉ còn chế độ hưu trí (bắt buộc, tự nguyện) và tử tuất. Như vậy luật mới có thể mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như thu hút nhiều người tham gia BHXH. Đây cũng là kinh nghiệm chung của hầu hết các nước trên thế giới".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét