+ Bệnh nhân nghèo được thanh toán 100% viện phí
Trình bày trước Quốc hội (QH) chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT) lần này sẽ bổ sung nhiều điểm mới có lợi cho người bệnh.
Trao thêm quyền cho địa phương
Theo Bộ trưởng Tiến, sau nhiều lần lấy ý kiến đóng góp, Ban soạn thảo dự án Luật quyết định sửa đổi quy định các đối tượng "có trách nhiệm tham gia BHYT" thành "Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc" nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT, đây là trách nhiệm xã hội để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2014.
Để tránh trùng thẻ BHYT như đã xảy ra tại nhiều địa phương trong thời gian vừa qua, dự luật sẽ bổ sung quy định UBND cấp tỉnh chỉ đạo bộ máy, nhân lực, nguồn lực để thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về BHYT trên địa bàn và UBND cấp xã có trách nhiệm lập danh sách đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình trên địa bàn.
Người nghèo sẽ không phải lo khi điều trị bệnh dài ngày.
"Song song với việc trao quyền là trao trách nhiệm nếu địa phương nào làm không tốt Luật trên" - Bộ trưởng Tiến nói. Cũng theo Bộ trưởng Tiến, dự thảo Luật đã sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng quy định tại Điều 12 thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT, gồm: nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng; Nhóm do ngân sách nhà nước đóng; Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và nhóm tự đóng BHYT.
Đồng thời gộp các đối tượng như người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp; thân nhân người lao động và xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thành 1 nhóm đối tượng "Người thuộc hộ gia đình" thuộc nhóm tự đóng BHYT và cùng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình.
Ngoài ra, dự thảo sẽ bổ sung thêm trách nhiệm đóng BHYT của quỹ BHXH đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nuôi con dưới 6 tháng tuổi, người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.
Bổ sung quy định giảm dần mức đóng BHYT khi toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT, cụ thể: người thứ nhất đóng bằng mức quy định; người thứ 2, thứ 3, thứ 4... đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ sáu trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Nhiều đối tượng được miễn giảm phí khám bệnh
Song, theo Bộ trưởng Tiến, quy định về phạm vi, mức hưởng BHYT được người dân đặc biệt quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi.
Vì vậy, dự thảo Luật sẽ sửa đổi đối tượng được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bao gồm: người có công với cách mạng; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Bổ sung quy định thời gian và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc cung cấp hồ sơ bệnh án, tài liệu liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia BHYT để tổ chức BHYT có căn cứ và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT kịp thời. |
Đồng thời, bổ sung quy định số tiền tối đa mà người bệnh cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong năm theo quy định của Chính phủ khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 3 năm liên tục trở lên.
Bộ trưởng Tiến nói tiếp: nhằm giảm phiền hà cho người bệnh, dự thảo Luật bãi bỏ hàng loạt quy định như bỏ quỹ BHYT không thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bỏ quy định BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp khám bệnh, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, không đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật của Luật để hạn chế việc thanh toán trực tiếp; bỏ quy định thanh toán đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại nước ngoài vì thực tế rất khó kiểm soát chi phí và không khuyến khích việc khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài trong điều kiện quỹ BHYT còn hạn hẹp.
Dự thảo Luật cũng bãi bỏ quy định quỹ BHYT không thanh toán chi phí điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt đối với trẻ em dưới 6 tuổi.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của người lao động trong trường hợp cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét