(DĐDN) - Incoterms (International Commerce Terms) ra đời lần đầu vào năm 1936 và đã trở thành nguồn luật quan trọng điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.
Incoterms là bộ quy tắc thương mại quốc tế do Phòng thương mại quốc tế (ICC) soạn thảo và được sử dụng rộng rãi. Incoterms trải qua 8 phiên bản và phiên bản mới nhất là Incoterms 2010, bao gồm 11 điều kiện thương mại và chia thành 2 nhóm: các điều kiện áp dụng cho mọi phương thức vận tải (EXW, FCA, CPT, CIP, DAT, DAP, DPP) và các điều kiện chỉ áp dụng cho vận tải biển và đường thủy nội địa (FAS, FOB, CFR, CIF).
So với Incoterms 2000, Incoterms 2010 không chỉ được khuyến cáo áp dụng trong quan hệ thương mại hàng hóa quốc tế mà còn trong thương mại nội địa và các khu ngoại quan.
Ngoải ra, Incoterms 2010 đã loại bỏ những điều kiện DAF, DES, DEQ, DDU và thêm vào 2 điều kiện DAP và DAT. Tuy nhiên, Incoterms phiên bản sau không loại bỏ hiệu lực các phiên bản trước đó. Các bên trong hợp đồng hoàn toàn có thể thỏa thuận sử dụng các điều kiện trong Incoterms 2000, 1990 hay 1980,... nhưng phải ghi rõ là phiên bản năm nào, nếu trong hợp đồng không ghi rõ thì sẽ được ngầm hiểu là áp dụng bản Incoterms mới nhất.
Trên thực tế, các điều kiện thường được sử dụng là EXW, FOB và CIF.
Điều kiện EXW (Ex Work): đây là điều kiện quy định trách nhiệm tối thiểu của người bán đối với hàng hóa, người bán chỉ có nghĩa vụ đảm bảo hàng hóa sẵn sàng cho người mua tại xưởng. Tất cả các trách nhiệm còn lại bao gồm bốc dỡ hàng hóa, làm thủ tục xuất khẩu, vận chuyển hàng hóa, rủi ro và các phí phát sinh sau khi nhận hàng đều thuộc về người mua. Người mua nên cân nhắc khả năng vận tải và hoàn thành thủ tục xuất khẩu tại nơi mua hàng nếu muốn áp dụng điều kiện này.
Điều kiện FOB (Free On Board): FOB truyền thống quy định rủi ro được chuyển từ người bán sang người mua khi hàng đã đi qua lan can tàu, tuy nhiên điều khoản này không còn hợp lý trên thực tiễn nên Incoterms 2010 đã có sự thay đổi. Theo Incoterms 2010, hàng hóa được xem là đã giao và rủi ro được chuyển từ bên bán cho bên mua khi hàng đã xếp lên boong tàu tại cảng xếp hàng quy định. Người bán chịu trách nhiệm đến khi hàng đã được xếp lên tàu, bao gồm: làm thủ tục xuất khẩu, vận chuyển hàng đến cảng xếp hàng, xếp hàng hóa lên tàu. Người mua có trách nhiệm mua bảo hiểm hàng hóa, vận chuyển hàng hóa và các công việc sau đó.
Điều kiện CIF (Cost Insurance and Freight):tương tự như FOB, rủi ro được chuyển cho người mua khi hàng hóa đã xếp lên boong tàu. Tuy nhiên, so với FOB thì người bán phải chịu thêm chi phí mua bảo hiểm hàng hóa, vận chuyển hàng hóa đến cảng dỡ hàng và bốc dỡ hàng hóa.
Tương ứng với các mức trách nhiệm và chi phí cấu thành, giá hàng hóa theo điều kiện EXW là thấp nhất, tiếp theo là FOB và cao nhất là CIF. Để lựa chọn điều kiện áp dụng phù hợp, các bên cần cân nhắc kĩ khả năng vận tải và lợi nhuận có thể đạt được.
Công ty luật PLF
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét