(CATP) Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện vẫn còn khoảng 30% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó, nhóm những người tham gia tự nguyện chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 22%. Do đó, cần phải có chế tài bắt buộc tham gia BHYT để đảm bảo sự chia sẻ giữa các đối tượng tham gia. Theo dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đang trình Quốc Hội thì từ năm 2014, Nhà nước sẽ tạo cơ chế để áp dụng nguyên tắc bắt buộc tham gia BHYT.
Tham gia BHYT giúp chia sẻ rủi ro về gánh nặng y tế của mỗi người dân
Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2012 do Bộ Y tế phối hợp với nhóm đối tác y tế (HPG) thực hiện cho thấy một thực trạng đáng lo ngại là các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mãn tính đang có xu hướng tăng do nguyên nhân từ quá trình công nghiệp hóa, toàn cầu hóa và các yếu tố nguy cơ do hành vi mang lại như hút thuốc lá, uống rượu, chế độ dinh dưỡng...
Trong đó, đái tháo đường, ung thư có sự gia tăng nhanh chóng. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 100.000 - 150.000 trường hợp ung thư mới phát hiện và 75.000 người trong số đó tử vong, gấp 7 lần tử vong do tai nạn giao thông. Đáng ngại là xu hướng này ngày càng gia tăng. Tỷ lệ mắc chung của mọi loại ung thư như: ung thư phổi, gan, dạ dày, ung thư miệng vào năm 2000 là 141,6/100.000 nam giới thì năm 2010 là 181,3/100.000 người. Ở nữ giới tỷ lệ này là 134,9/100.000 người.
Tai nạn thương tích, đặc biệt là TNGT cũng gia tăng trong vòng 10 năm trở lại đây và đứng đầu nguyên nhân tử vong tại các bệnh viện hiện nay, bình quân mỗi ngày có 30 người tử vong và 70 người tàn tật do tai nạn thương tích gây ra, cho thấy gánh nặng về chi phí y tế hiện nay rất lớn.
Luật Bảo hiểm y tế ban hành ngày 14-11-2008 đã góp phần làm giảm gánh nặng chi phí y tế cho người bệnh, nâng cao hiệu quả sử dụng BHYT đối với các hộ gia đình nghèo, đồng bào nghèo dân tộc thiểu số, vùng miền núi... Trên thực tế, sau khi Luật BHYT 2008 được ban hành số lượng người tham gia BHYT theo Luật BHYT gia tăng nhanh so với thời điểm trước khi luật BHYT có hiệu lực, chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng được hỗ trợ hoàn toàn mức đóng BHYT như người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và một số đối tượng thuộc nhóm chính sách xã hội khác. Ở nhóm đối tượng này, do nhà nước đã đảm bảo ngân sách đóng BHYT nên vấn đề còn lại chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng để đảm bảo sự tham gia BHYT đầy đủ theo quy định.
Với các đối tượng được hỗ trợ một phần mức đóng BHYT như người thuộc hộ gia đình cận nghèo, sự hỗ trợ 50% được xem như còn thấp so với điều kiện kinh tế của họ cùng với vấn đề cùng chi trả và nhận thức về BHYT cũng như trách nhiệm thực hiện luật BHYT, dẫn đến những trở ngại để mở rộng đối tượng tham gia. Với học sinh, sinh viên cũng là đối tượng được hỗ trợ một phần mức đóng nên tỷ lệ tham gia BHYT đạt khá, song chưa đủ vì theo yêu cầu phải có 100% sinh viên, học sinh tham gia BHYT theo quy định của luật.
Các doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tỷ lệ tham gia thấp do nguyên nhân trực tiếp từ ý thức trách nhiệm trong thực thi pháp luật về lao động, tham gia bảo hiểm xã hội hay BHYT của người sử dụng lao động và người lao động còn rất hạn chế. Trong khi đó, việc áp dụng cơ chế xử phạt chưa đủ mạnh, chưa kiên quyết để có thể khắc phục tình trạng này.
Việc bao phủ BHYT ở các nhóm đối tượng là thân nhân người lao động, hộ nông dân có mức sống trung bình trở lên cũng gặp nhiều khó khăn do nhận thức của các đối tượng về lợi ích của chính sách BHYT còn hạn chế, chưa có chế tài xử lý khi các đối tượng không tham gia BHYT. Phần lớn họ tham gia BHYT khi thực sự đã có nhu cầu khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh cần điều trị lâu dài và có chi phí lớn. Điều này cho thấy ý thức về trách nhiệm cộng đồng của người tham gia BHYT còn hạn chế, đồng thời cũng phản ánh các quy định hiện hành chưa đủ mạnh để tạo nên sự tham gia ở quy mô lớn hơn để tạo nên sự đóng góp BHYT mang tính chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình hay trong cộng đồng. Được biết, tỷ lệ người lao động trong khu vực doanh nghiệp tham gia BHYT hiện chỉ đạt 50%. Những đối tượng là nông dân, người lao động thuộc khu vực phi chính thức, thân nhân người lao động tự nguyện tham gia BHYT tự nguyện chỉ đạt 22%.
Thực trạng này cho thấy nếu không có chế tài để đảm bảo thực hiện tham gia BHYT bắt buộc thì chỉ những người có bệnh, người ốm yếu mới tham gia mua BHYT và làm mất đi ý nghĩa của việc tham gia BHYT là sự chia sẻ rủi ro giữa những người không có bệnh và người có bệnh, giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét