Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Big Brother: Trò vui nguy hiểm

PN - Sau ba tập phát sóng nhàm chán với việc 12 con người đi qua đi lại trên màn hình chỉ ăn, ngủ, đùa trong sự cảnh giác cao độ với máy quay, pha một chút "diễn"..., chương trình Người giấu mặt đã bước vào những tập tiếp theo với nhiều hài hước và kịch tính hơn. Tuy nhiên, những kịch tính từ xung đột trong sinh hoạt hàng ngày đó chỉ kích thích sự hiếu kỳ của khán giả, chưa cho thấy một ý nghĩa nào khác.

Một khán giả trên một diễn đàn mạng đã khái quát sau khi xem xong tập ba: một kẻ rảnh rỗi ngồi xem những kẻ rảnh rỗi khác. Không giống những chương trình truyền hình thực tế khác, chương trình Big Brother không khai thác tài năng ở một lĩnh vực nào đó, mà chỉ là cho khán giả được quan sát diễn biến tâm lý của 12 con người xa lạ trong 65 ngày - một trò gọi là vô bổ cũng không sai.

Thế nhưng, về phía thí sinh (TS), đó lại là một trò vui nguy hiểm, khi những điều riêng tư vốn chỉ có thể chia sẻ cho những người thân lại được phơi bày trước hàng triệu người xem. Bỏ qua những câu chuyện riêng tư thuộc về giới tính và bản năng (mà phiên bản các nước luôn luôn có, khiến Big Brother trở thành chương trình đứng đầu về scandal), những câu chuyện cá nhân khác cũng có thể mang lại nhiều phiền toái. Đơn cử như TS Bảo Ngọc, khi nói ra bí mật mà cô luôn giấu kín là vợ chồng anh chị đã ly hôn ở tập năm (phát sóng tối 16/11/2013), cô cũng cho biết nếu thông tin này được phát sóng, chuyện này không còn là chuyện của cô nữa mà là vấn đề của cả dòng họ cô, thậm chí còn ảnh hưởng đến con của anh chị... Nhưng, chuyện đã được phát sóng. Hay với Hoài Sơn, những đoạn anh nói về mình như "ở cuộc sống ngoài kia, bước ra đường tôi luôn biết cách tạo cho mình một cái mặt nạ..." cũng được phơi bày.

Một cảnh quay sinh hoạt của thí sinh trong ngôi nhà chung

Sự nguy hiểm không chỉ nằm ở chỗ những gì riêng tư nhất hay những góc xấu xí nhất của mỗi người bị phát lộ, mà còn ở chỗ họ hoàn toàn không thể biết được điều gì, tác hại nào diễn ra cho mình sau sự phơi bày đó. Mô hình ngôi nhà chung có trong rất nhiều chương trình truyền hình thực tế, nhưng hầu hết chương trình đều chỉ phát sóng khi TS đã về nhà và mỗi ngày có thể theo dõi diễn biến của dư luận dành cho phần thể hiện của mình. Điều đó khiến TS không bị sốc đột ngột. Còn với Big Brother, ngày hôm trước ghi hình, ngày hôm sau phát sóng. Không TS nào biết được mình đang vào vai gì, "ác" hay "thiện" trước mắt mọi người. Và, sau 65 ngày (với các nước khác là 100 ngày) bước ra khỏi cánh cửa ngôi nhà chung, khó tránh TS không bị sốc khi bỗng dưng nhận cả "núi gạch đá" hoặc được yêu thích quá mức tưởng tượng. Đó cũng là lý do mà format này luôn có một đội ngũ chuyên viên tâm lý túc trực 24/24, đặc biệt là trước khi mỗi TS bước ra khỏi ngôi nhà chung. Vấn đề là, trước khi dấn thân vào cuộc chơi này, bao nhiêu TS ý thức được tất cả những điều đó?

Chỉ vài tập đầu tiên, nên "vai" của các TS vẫn chưa rõ ràng. Hiện tại, nhận được nhiều lời bình phẩm ác ý nhất của cộng đồng mạng là TS Bảo Ngọc và Quỳnh Trang. Sức nặng của dư luận sẽ tác động mạnh đến cuộc sống thực là điều chắc chắn. Đó cũng là lý do mà ở nhiều nước, Big Brother cũng là chương trình được tìm đến của các nhân vật không có tài năng nhưng muốn nổi tiếng. Chỉ có điều, tại Việt Nam, dù muốn hay không thì nổi tiếng theo kiểu tai tiếng cũng là một cách chẳng mấy ngọt ngào.

 Vũ Minh

Từ khoá: gia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét