Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Tác phẩm và dư luận: Thú vị với những người Huế thú vị

Những nhân vật trong "Trò chuyện những người Huế thú vị" đều khá thú vị. Khép sách lại, tự nhiên thấy có thêm một người Huế thú vị nữa - không có tên trong danh mục những nhân vật của cuốn sách - chính là tác giả Hoàng Văn Minh.

Mười mấy năm làm phóng viên Báo Lao Động thường trú ở Huế, Hoàng Văn Minh âm thầm "điểm danh" những nhân vật có tiếng tăm của quê hương mình. Điểm danh để làm chi? Có lần Minh nói: "Tôi không có đất mặt tiền như anh (ý nói mục Sự kiện & Bình luận), nhưng mời các bác lần lượt xuất hiện trên chuyên mục "Gặp gỡ Cuối tuần" của Lao Động Cuối tuần và chuyên mục "Phóng sự" của Lao Động để bạn đọc "thưởng thức" nhân sĩ trí thức đất cố đô".

Những nhân vật mà Hoàng Văn Minh điểm danh đều là tuổi ông, tuổi bác, trẻ cũng là bậc đàn anh của Minh. Minh tìm cách tiếp xúc, gần gũi, trò chuyện, góp nhặt thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của từng người để viết. Cái khó và cũng là thách thức nhất chính là viết về những trí thức nổi tiếng mà nhiều người biết khá tường tận về họ. Những cái tên như Phan Thuận An, Vĩnh Cao, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Hữu Châu Phan, Hồ Tấn Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Ý… quen thuộc không chỉ với người Huế mà với không ít người trong cả nước. Viết về họ mà sai chệch một chút là "no đòn" ngay. Đặc biệt, mấy "mệ Huế" thường tính khí rất khó chịu, không phải trách một tiếng là xong, mà coi chừng cạch mặt không thèm chơi.

Tác phẩm và dư luận: Thú vị với những người Huế thú vị - 9_cuoi-Hue%20thu%20vi_YSLY.jpg
Rất may là Hoàng Văn Minh lần lượt vẽ chân dung từng người, từng "mệ" với đường nét rất tử tế, và "mệ" nào ra "mệ" nấy. Những ai từng quen thuộc với các nhân vật này, đọc xong bài viết sẽ thấy rất thích thú vì không những tác giả vẽ đúng chân dung, mà còn cung cấp thêm những chi tiết mà mình chưa biết về nhân vật. Ví dụ như Nguyễn Khoa Điềm, ai cũng biết ông từng là quan lớn, nhưng bây chừ quan lớn nói "Giờ chỉ còn chường mặt ra trong thơ" thì quả là thú vị. Và gương mặt mà Nguyễn Khoa Điềm "chường" ra trong thơ đó có thể thú vị hơn nhiều so với gương mặt của một ông quan trước đó.
Rồi nữa, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân dù có hay cãi nhau với ai trên các diễn đàn thì cũng thật khó để vẽ ra một chân dung hay cãi có thương hiệu Nguyễn Đắc Xuân. Vậy mà Minh khéo léo mượn lời một nhân vật có tên tuổi khác để tả: "Thằng nớ rất lạ, người Huế mà cái miệng rất giống người Quảng Nam, ở bất kỳ chỗ mô, hễ thấy mặt hắn là nghe cãi". Hoàng Văn Minh lại hỏi tiền bối Nguyễn Đắc Xuân theo một lối rất thật thà: "Nhắc đến tên Nguyễn Đắc Xuân là lập tức trong đ���u rất nhiều người đã hình dung ra một ông già rất hay tranh cãi và… cãi cho hơn mới thôi. Vì sao ông lại hay cãi như vậy?".
Để rồi, bạn đọc mới biết ông già đó cãi nhau vì mục đích gì, chính nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói: "Không phải cái gì mình viết, mình nói cũng đúng, cũng trọn vẹn, cho nên có ai đó tranh cãi với mình, góp ý cho mình thì sẽ có hai cái lợi. Họ nói đúng, mình sửa cái sai của mình. Thứ hai, họ cãi mình, mình phải đối phó với họ, mình phải đi nghiên cứu, lục lọi tài liệu để chứng minh, để cãi lại và việc đó sẽ giúp nâng cao chất lượng khoa học của mình lên. Tôi có đặc điểm là cãi xong rồi thôi nên giờ không nhớ đã thua bao nhiêu trận, thắng bao nhiêu trận".
Hoàng Văn Minh giới thiệu những nhân vật mà "thấy họ như thấy Huế". Bởi vì họ yêu Huế một cách "bảo thủ" và họ "Huế" từ giọng nói, dáng đi, điệu đứng. Phan Thuận An là một điển hình, ông không chỉ là nhà nghiên cứu về văn hóa Huế, nhà Huế học, mà còn là một "di sản" sống về phong cách người Huế, coi trọng lễ nghi giao tiếp, và ông có triết lý riêng về điều này: "Tôi cho rằng, thời buổi nào, xưa hay nay, thì cuộc sống phải cần có chữ "lễ". Từ gia đình cho đến xã hội, từ sinh hoạt cho tới ứng xử, cái gì cũng phải có tôn ti trật tự, phải có khuôn phép, lề lối. Nếu không, mọi chuyện sẽ loạn cả lên". Tiến sĩ Triết học Thái Kim Lan sống mấy mươi năm ở Đức, nhưng nhìn là biết ngay một phụ nữ Huế khỏi cần phải giới thiệu. Bà nói về tình yêu quê hương thế này đây: "Ở bên kia, tôi vẫn "chạy trời không khỏi Huế" trong nỗi hớn hở được tự do thoải mái đem niềm nhớ Huế ra mà nghiền". Chính vì "nghiện" Huế nặng, nên TS. Thái Kim Lan làm nhiều việc rất có ý nghĩa cho Huế, cho quê hương Việt Nam.
Còn nhà văn - dịch giả Bửu Ý thì được TS. Thái Kim Lan cho rằng: "Bửu Ý là một người rất Huế, chất Huế trong anh như thể được thừa hưởng từ muôn kiếp trước". Những người Huế thú vị của Hoàng Văn Minh còn có những nhân vật độc đáo là nhà sư, linh mục, võ sư mà mỗi chân dung đều có sức hấp dẫn rất lớn với bạn đọc. Những nhân vật Huế mà Hoàng Văn Minh chuyện trò, ngoài những "cây đa", "cây đề", còn những cây "vừa vừa" thôi, nhưng cũng không kém thú vị.
Đó là những nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, Phan Thanh Hải, Trần Nguyễn Khánh Phong, Nguyễn Anh Huy, Phan Anh Dũng, Nguyễn Phước Hải Trung, nghệ nhân ẩm thực Hoàng Thị Như Huy… Qua những câu chuyện với Hoàng Văn Minh, sẽ thấy họ tự học, tự nghiên cứu để có những công trình có giá trị cho Huế. Họ là những tấm gương cho thế hệ trẻ về sự học, về niềm say mê khoa học. Đọc hết những người Huế thú vị của Hoàng Văn Minh, không chỉ biết chân dung nhân vật, mà có được một sự hiểu biết thêm về con người và vùng đất di sản Huế. Có lẽ đó mới là điều thú vị mà tác giả muốn gửi đến cho bạn đọc.
"Trò chuyện những người Huế thú vị" dày 225 trang, khổ 13x 20,5cm. Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết với Cty TNHH sách Phương Nam, năm 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét