CafeLand - Thời gian gần đây, thông tin về việc xây dựng "Căn hộ 25m2" được các doanh nghiệp bất động sản và xã hội rất quan tâm. Xung quanh chủ đề này có hàng loạt các ý kiến trái chiều. Dưới góc nhìn của mình, CafeLand cho rằng cần phải phá bỏ rào cản suy nghĩ theo nếp cũ để có một cái nhìn thấu đáo hơn về việc có nên hay không nên cho phép xây dựng căn hộ dạng nhỏ này. Bất kỳ một mơ ước và chính sách nào cũng phải dựa trên thực tế của tình hình kinh tế xã hội và nhu cầu của người dân.
Căn hộ 25m2 liệu có biến thành căn nhà ổ chuột?. Ảnh Internet
Tại sao lại không cho phép?
Trước bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản và nhu cầu thực tế của người dân, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang nghĩ tới việc xây dựng những căn hộ có diện tích nhỏ hơn với giá thành rẻ. Thực tế đã có một số doanh nghiệp tiến hành xây dựng các dự án căn hộ diện tích nhỏ. Tuy nhiên, theo luật pháp hiện hành để được cấp sổ đỏ diện tích căn hộ tối thiểu phải 50m2. Vì vướng mắc trên nên để tránh rủi ro cho việc xây căn hộ diện tích nhỏ thì phải sửa Luật.
Mới đây dư luận và doanh nghiệp bất động sản mừng hụt khi tưởng rằng Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ để sửa nghị định nhằm hợp thức hóa cho các căn hộ 25m2. Tuy nhiên, sau đó. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng chưa bao giờ kiến nghị cho phép doanh nghiệp được xây dựng các căn hộ có diện tích 25m2 để bán, chỉ có căn hộ cho thuê mới được phép xây dựng với diện tích 25m2.
Trên các diễn đàn báo chí có hàng loạt tranh luận "nên hay không" cho phép xây dựng căn hộ có diện tích đó. Trong trao đổi với báo Đầu tư Chứng khoán, Kiến trúc sư Trần Văn Mỹ, CTCP An Tin cho rằng: "Ở trong những căn hộ như vậy, chủ nhân luôn cảm thấy tù túng, chật chội. Sau giờ làm việc mệt mỏi, trở về nhà, người ta cần một chốn an cư thoải mái, căn hộ 25m2 khó có thể đáp ứng được nhu cầu ấy. Chật quá sẽ dẫn đến việc sắp xếp căn nhà mất thẩm mỹ, thiếu chỗ phơi đồ, người ta sẽ tìm cách lấn chiếm, khiến cho cả khu nhà trông rất lem nhem. Quan điểm của tôi là không nên cho phép xây dựng loại nhà diện tích đó, nếu các chủ đầu tư khó khăn thì nên gỡ khó cho họ bằng các hướng khác".
Trong bài viết "Xây căn hộ 25m2: Nên hay không?" trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn một đồng nghiệp của KTS Mỹ là Kiến trúc sư Vũ Quang Định cũng đưa ra lý do "tù túng, chật chội, không đảm bảo không gian sống …". Cũng với lý do đó, đã có thêm 2 ý kiến phản đối khác với lý giải tương tự.
Trên các diễn đàn báo chí, các ý kiến phản đối ý tưởng này khi liên tưởng tới sự chật chội, chuồng cọp, nhếch nhác …của các căn nhà tập thể được xây dựng cách đây hàng nửa thế kỷ. Ngoài ra, họ còn lo cho cơ sở hạ tầng khi mật độ dân số sẽ đông lên khi xây căn hộ siêu nhỏ.
Tổng kết các quan điểm phản đối ý tưởng căn hộ nhỏ đều với một lý do khá "nhân đạo" khi lo cho sức khỏe, môi trường sống bên trong và môi trường xung quanh tòa nhà. Trong khi đó họ quên mất việc xây dựng căn hộ nhỏ với giá rẻ là một nhu cầu rất thực tế. Ngoài ra, những lập luận đưa ra cũng rất thiếu thuyết phục vì chưa có những tính toán khoa học hay xem xét một cách tổng thể.
Thực tế, ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Sigapore có nhiều căn hộ nhỏ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Còn tại, Việt Nam hiện tại có hàng chục triệu sinh viên, người lao động phải sống trong các căn phòng trọ thiếu tiện nghi, chật chội và đa phần dưới diện tích dưới 25m2. Như vậy, đối với hàng triệu con người này, căn hộ 25m2 mà một số người chê là "tù túng, chất chội, không đảm bảo không gian sống" cũng là thiên đường rồi.
Nên thực tế và khoa học thay vì chỉ "nghĩ'
Hiện tại, Bộ Xây dựng mới đề xuất xây căn hộ 25m2 để cho thuê chứ không phải đề bán. Như vậy, việc cho thuê và bán có gì khác nhau hay không? Thực tế nó chỉ khác nhau về đối tượng sở hữu và sử dụng mà thôi. Điều này cũng có nghĩa là những lý do mà nhiều người phản đối là "lo cho người sống trong nhà" đều mất ý nghĩa. Còn chính việc "đóng khung" chỉ "cho thuê" theo quan điểm của Bộ Xây dựng có thể chỉ là việc "né" của cơ quan quản lý mà thôi.
Hiện nay, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam chỉ vào khoảng 25 triệu đồng/năm. Còn tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM thì vào khoảng 60 triệu đồng/năm. Như vậy, đối với người dân có mức thu nhập trung bình thì việc sở hữu một căn nhà có giá hàng tỷ đồng như hiện nay là một giấc mơ xa xỉ. Bất kỳ ai cũng muốn sống trong một căn hộ to đẹp, có không gian … như các kiến trúc sư "tưởng tượng". Tuy nhiên, thực tế mỗi người phải có một lựa chọn tốt nhất cho mình, phù hợp nhu cầu và khả năng thực tế của họ.
Nếu những căn hộ tuy nhỏ những giá nằm trong khả năng chi trả của người có thu nhập chưa cao sẽ giải tỏa phần nào cho hàng triệu con người phải sống trong những căn phòng trọ chật chội thiếu tiện nghi như hiện nay. Hiệu quả về mặt xã hội, chất lượng đời sống người dân sẽ rất lớn khi căn hộ 25m2 đáp ứng được nhu cầu thực sự của họ.
Như vậy, có thể thấy cầu về căn hộ nhỏ rất lớn vì nó phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân. Trong khi đó theo quy luật kinh tế thì có cầu ắt hẳn phải có cung. Vai trò của nhà nước phải thực hiện các chính sách nhắm hướng tới việc tạo lợi ích cao nhất cho xã hội bằng cách tạo điều kiện cho cung cầu gặp nhau.
Nếu Bộ Xây dựng vẫn cứ "khăng khăng" với điều kiện "thuê chứ không bán" thì sẽ ra sao? Chắc chắn đây là một rào cản lớn đối với việc phát triển căn hộ có diện tích nhỏ vì doanh nghiệp bất động sản sẽ ngại đầu tư do họ muốn bán để thu hồi vốn ngay tránh rủi ro. Ngoài ra, tâm lý của người sử dụng cũng muốn sở hữu một căn hộ thực sự của mình để họ có thể yên tâm. Tất nhiên, là chủ đầu tư bất động sản có thể lách bằng cách làm sổ đỏ cho chủ của hai căn hộ ghép lại với diện tích 50m2 nhưng đây không phải là một giải pháp thấu đáo.
Theo CafeLand, những lý do như "chật chội, quá tải,…" thì xin để cho chủ đầu tư và người mua nhà tự quyết định. Họ đủ thông minh để có được những lựa chọn tốt nhất cho mình. Nhà nước chỉ quản lý trên bình diện vĩ mô, cung cấp các tiện ích công mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét