Vì sao ILO đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu?
Thùy Dung
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sẽ tăng dần lên 60 hoặc 62 tuổi, thay vì 55 tuổi như hiện nay. Ảnh minh hõa congly.com.vn |
(TBKTSG) - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2014; trong đó có nhiều thay đổi lớn, đặc biệt là dự kiến nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi và nữ lên 60 hoặc 62 tuổi, đồng thời thay đổi cách tính lương hưu theo hướng giảm xuống. Tuy nhiên, điều chỉnh trên đang vấp phải sự phản đối của dư luận.
Để có cái nhìn toàn tổng quát hơn về vấn đề này, TBKTSGđã có buổi phỏng vấn ông Carlos Galian,chuyên gia về an sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, một trong những đơn vị tham gia tích cực trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.
Ông Carlos Galian. |
TBKTSG: Ông có thể đưa ra lý do tại sao ILO lại đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu tại thời điểm này?
- Ông Carlos Galian:Việt Nam cần phải cân nhắc phương án tăng tuổi nghỉ hưu vì quỹ BHXH hiện tại của Việt Nam đang ở trong tình trạng đáng báo động.
Theo nghiên cứu chung của ILO và Chính phủ Việt Nam, nếu như không kịp thời cải cách thì đến năm 2021, nguồn thu của Bảo hiểm Việt Nam sẽ tương đương với tổng chi. Toàn bộ quỹ BHXH sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2034. Hay nói cách khác, toàn bộ lao động nam của Việt Nam dưới 39 tuổi và lao động nữ dưới 34 tuổi sẽ không được nhận lương hưu sau khi nghỉ hưu.
Ngoài ra cũng cần phải biết rằng ILO không đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ngay lập tức mà sẽ tăng theo lộ trình. Hiện tại tất cả người lao động sắp đến tuổi về hưu sẽ không chịu tác động của cải cách đề xuất. ILO đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 vào năm 2030.
TBKTSG: ILO có cuộc điều tra xã hội học nào để chứng minh rằng người lao động vẫn tiếp tục làm việc hiệu quả ở tuổi 62 (với cả nam và nữ) như đề xuất trong dự thảo luật?
- Có một vài chỉ số cho thấy rằng trên thực tế, sức khỏe của người Việt Nam, đặc biệt là người nghỉ hưu đã được cải thiện.
Trước tiên, tuổi thọ trung bình vào năm 1990 là 66 nhưng giờ là 75. Quan trọng hơn, tuổi thọ cho những người đã đạt đến mức 60 tuổi hiện nay được kỳ vọng sẽ lên tới 81 tuổi. Con số này ngang ngửa với các nước giàu có hơn Việt Nam như Brazil, Thái Lan và chỉ kém các nước phương Tây 3-4 tuổi. Không thể kéo dài tuổi thọ thêm chín năm mà lại không cải thiện tình hình sức khỏe.
Thứ hai, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì năm 2012, khoảng 40% người nghỉ hưu làm việc đến 65 tuổi, mặc dù họ có thể không làm toàn thời gian. Trong khối lao động phi chính thức, khoảng 70% lao động vẫn làm việc không thường xuyên khi đã 65, và khoảng 25% là làm việc thường xuyên. Như vậy là có vẻ như họ vẫn còn khả năng lao động.
TBKTSG: Sẽ phải giải quyết vấn đề việc làm như thế nào khi có khoảng 1 triệu lao động bước vào thị trường lao động mỗi năm, trong khi vẫn còn khoảng hàng trăm nghìn lao động vẫn tiếp tục làm việc thêm vài năm nữa?
- Hằng năm có rất nhiều người trẻ tuổi gia nhập thị trường lao động nhưng trong vòng 10 năm tới con số này sẽ giảm dần. Theo dữ liệu chính thức, lực lượng lao động tăng 700.000 người hàng năm. Tuy nhiên, từ 2019 đến 2029, sẽ tăng chậm lại hơn, ở mức khoảng 350.000 lao động một năm. Trong thập kỷ tiếp theo, chính xác là khi tuổi nghỉ hưu dự tính ổn định ở mức 62 thì lực lượng lao động cũng sẽ ổn định ở mức 62 triệu lao động. Như vậy, lịch trình tăng tuổi nghỉ hưu có vẻ rất phù hợp với sự phát triển của thị trường lao động cũng như trong việc cung cấp đủ thời gian cho Chính phủ và cả xã hội thích ứng.
TBKTSG: Tăng tuổi nghỉ hưu, theo giải thích của ILO là để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang nợ BHXH. Liệu tăng tuổi nghỉ hưu có đồng nghĩa với việc chúng ta "bó tay" trước tình thực trạng này?
- ILO thực sự lo lắng về vấn đề trốn đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp. ILO tin rằng cải cách sẽ giải quyết được vấn đề này bằng cách thiết chặt các qui định thanh tra và tăng cường năng lực thanh tra trong hệ thống BHXH đồng thời tăng chế tài xử phạt.
Ngoài ra, theo như tính toán của ILO, thậm chí nếu như không có tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm thì quỹ BHXH cũng không duy trì bền vững. Vì vậy, giải quyết vấn đề trốn đóng bảo hiểm là hoàn toàn cần thiết nhưng vẫn chưa đủ để đảm bảo lương hưu cho lao động trong tương lai.
TBKTSG: Dự thảo Luật BHXH lần này cũng thay đổi các tính lương hưu theo hướng giảm khoảng 10% đối với nam và 15% đối với nữ. Theo kinh nghiệm của các nước thì càng giảm mức hưởng thì tình trạng trốn đóng càng tăng. ILO có lường trước tình trạng này khi đưa ra đề xuất nói trên?
- Thực ra thì nếu phương án cải cách của ILO được triển khai, lương hưu sẽ tăng. ILO đã nhấn mạnh rõ phương án cải cách chuẩn mực là phải tuân thủ cải cách của Luật Lao động để người lao động và người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tính theo tổng thu nhập, chứ không phải tính theo lương cơ bản (mà theo Liên đoàn Lao động Việt Nam là chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người lao động nhưng đang được hầu hết khu vực tư nhân lấy làm căn cứ để đóng -PV). Nếu như cải cách được triển khai, lương hưu sẽ cao hơn đáng kể, dù cho công thức tính lương hưu có bị giảm đôi chút.
Một điều đáng phải quan tâm là tỷ lệ hưởng hiện tại cho người về hưu tại Việt Nam là cao nhất trên thế giới, so sánh với các nước mà các chuyên gia của ILO từng biết đến. Theo các phân tích của ILO, tỷ lệ hưởng của khối viên chức nhà nước là trên 100%, có nghĩa là họ nhận lương hưu ở mức cao hơn lương thực trung bình của họ. Thông thường thì hệ thống lương hưu có tỷ lệ hưởng từ 40 đến 60%. Theo Hiệp ước của ILO về BHXH thì tỷ lệ hưởng nên ở trên mức 40% để đảm bảo đủ sống cho người nghỉ hưu.
TBKTSG: Tuy nhiên, nếu tăng mức đóng BHXH trên tổng thu nhập thì liệu doanh nghiệp có trụ lại được trong thời điểm khó khăn hiện nay?
- ILO tin rằng đối thoại xã hội sẽ giúp cho Chính phủ Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tìm ra được tiếng nói chung và đảm bảo lương hưu cho người lao động vẫn gắn với tổng thu nhập mà không ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét