Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Chuyển biến mạnh từ "một cửa điện tử"

(HNM) - Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và nâng cao kỹ năng giao tiếp của cán bộ, hai năm gần đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội đã tạo được bước chuyển biến rõ nét về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Trước đây, trung bình số hồ sơ chậm, muộn lên tới hơn 30% thì nay chỉ còn không quá 3%. Điều này đã khẳng định tính hiệu quả trong giải quyết TTHC, xây dựng nền hành chính phục vụ của ngành BHXH Thủ đô.

 

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận "một cửa" Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thu Vân

Nói về bước ngoặt trong quá trình triển khai mô hình "một cửa", ông Lê Văn Long, Trưởng phòng CNTT BHXH Hà Nội cho biết: Ngay sau khi UBND TP Hà Nội triển khai chương trình cải cách hành chính và Chính phủ điện tử, BHXH thành phố đã chủ động báo cáo thành phố cho phép được thực hiện Dự án Trang bị thiết bị CNTT cho bộ phận "một cửa" của BHXH thành phố và BHXH quận, huyện. Với nguồn kinh phí được phê duyệt, BHXH thành phố đã có đủ nguồn lực để trang bị hệ thống CNTT. Đến nay, phần mềm "một cửa điện tử" đã thực hiện được việc "tiếp nhận - thụ lý - trình ký - trả kết quả" các hồ sơ TTHC; luân chuyển hồ sơ giữa các phòng, bộ phận nghiệp vụ và giữa BHXH thành phố với BHXH các quận, huyện, thị xã.

Để thuận tiện cho người dân đến giao dịch, 30 điểm tiếp nhận hồ sơ của BHXH thành phố và BHXH các quận, huyện, thị xã đều niêm yết công khai các TTHC và quy trình giải quyết từng thủ tục, sổ và hòm thư góp ý. Ngoài ra, các điểm đều trang bị màn hình cảm ứng tra cứu TTHC, lắp đặt máy xếp hàng tự động, trang bị hệ thống camera. Để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại của người dân, doanh nghiệp, BHXH Hà Nội đã chủ động kết nối với Bưu điện Hà Nội chuyển toàn bộ thông tin liên quan đến TTHC của ngành lên tổng đài 1080 và hộp thư trả lời tự động 80111068, đồng thời cung cấp dịch vụ nhắn tin trả lời về kết quả giải quyết hồ sơ. Bên cạnh đó, BHXH Hà Nội triển khai thí điểm giao dịch hồ sơ điện tử "Gia hạn thẻ BHYT học sinh năm học 2013-2014" và "BHYT bắt buộc năm 2014". Với quy trình này, các đơn vị sử dụng lao động chỉ cần truy cập, khai thông tin trên mạng internet, sau đó đến cơ quan BHXH lấy kết quả và nộp hồ sơ (bản giấy).

Cùng với việc đầu tư thiết bị và cải tiến quy trình làm việc, BHXH Hà Nội quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ. Với phương châm "giỏi một việc, biết nhiều việc", BHXH Hà Nội thường xuyên tổ chức tập huấn để mỗi cán bộ ở bộ phận "một cửa" đều có thể tiếp nhận hồ sơ của các mảng nghiệp vụ. Công dân gặp cán bộ nào cũng được hướng dẫn rõ ràng, chính xác cách hoàn thiện hồ sơ. Bà Nguyễn Thục Phương (73 tuổi, ở 21 Đặng Dung) cho biết: "Dù rất ngại đến chốn công quyền giao dịch, song vì có việc, tôi phải đến BHXH quận Ba Đình để thực hiện thủ tục truy lĩnh tiền phụ cấp thâm niên giảng dạy. Tới đây, tôi hoàn toàn bất ngờ trước thái độ hòa nhã, nhiệt tình của một nữ cán bộ, khi hướng dẫn về thủ tục. Không những thế, cán bộ này còn chủ động gọi điện cho tôi để thông báo về tình hình giải quyết thủ tục. Tôi rất cảm động trước sự tận tình đó".

Việc tạo thuận lợi về môi trường làm việc cho cán bộ hết mình phục vụ nhân dân của BHXH Hà Nội đã tạo sự chuyển biến rõ nét. Dù đặc thù địa bàn Hà Nội tập trung đông đối tượng, lượng khách giao dịch nhiều nhưng đã giảm đáng kể số hồ sơ trả chậm. Tính đến hết năm 2013 - sau hơn một năm triển khai "một cửa điện tử", BHXH thành phố và BHXH các quận, huyện, thị xã đã tiếp nhận và giải quyết gần một triệu hồ sơ, trong đó, tỷ lệ hồ sơ chậm, muộn chỉ còn không quá 3%. Theo Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Vũ Đức Thuật: "Từ phần mềm được ứng dụng có thể theo dõi được đường đi, tiến độ giải quyết từng hồ sơ. Điều này đã tạo thuận lợi hơn cho cán bộ thực hiện, cho lãnh đạo quản lý, điều hành công việc và giúp người dân giám sát được cách làm việc của cán bộ. Do đó, mỗi cán bộ, công chức, người lao động đều có ý thức làm tròn nhiệm vụ. Thời gian gần đây, hầu như chúng tôi không nhận được đơn thư phản ánh phàn nàn về thái độ phục vụ của cán bộ".

Để mô hình tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa" và thí điểm giao dịch "hồ sơ điện tử" thành công, mang lại hiệu quả cho người dân, tổ chức, DN, năm 2014, BHXH thành phố xác định chuyển mạnh từ tác phong làm việc hành chính sang tác phong phục vụ; đồng thời mở rộng triển khai mô hình giao dịch điện tử trên quy mô toàn thành phố. Quyết tâm cải cách hành chính cùng sự chủ động đưa CNTT vào giải quyết TTHC đã cho thấy BHXH Hà Nội đang đi đúng hướng, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả.

 

Với khoảng 36.000 tổ chức, DN tham gia BHXH, BHYT, BHXH thành phố Hà Nội sẽ chia theo địa bàn quận, huyện để tổ chức tập huấn, hướng dẫn giao dịch điện tử. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, viên chức của BHXH thành phố cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị thực hiện hồ sơ điện tử, tạo sự phối hợp đồng bộ trong giải quyết các TTHC của tổ chức, cá nhân.

Từ khoá: thủ tục hành chính quy trình người lao động giải quyết thông tin bảo hiểm xã hội hiệu quả triển khai thí điểm thủ tục xây dựng triển khai công nghệ thông tin bhxh người dân kết quả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét