(HNM) - Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), kết thúc giai đoạn thí điểm đề án bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) 2011-2013, chỉ có 46 hợp đồng bảo hiểm được cấp. Mặc dù Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, song con số khiêm tốn trên cho thấy các DN dường như không mấy mặn mà khi tham gia loại hình bảo hiểm này. Trong khi đó, theo các chuyên gia bảo hiểm, việc tham gia BHTDXK sẽ giúp DN hạn chế được phần lớn rủi ro khi ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế.
Doanh nghiệp ngại phí cao
Cùng với sự phát triển và hội nhập mạnh của nền kinh tế, việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất - nhập khẩu luôn được Chính phủ quan tâm. Để khuyến khích các DN xuất khẩu mua BHTDXK, đề án thí điểm giai đoạn 2011-2013 với nhiều ưu đãi cho DN đã được Bộ Tài chính triển khai. Theo đó, DN khi mua BHTDXK tại 7 DN bảo hiểm được lựa chọn tham gia thí điểm sẽ được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm. Tham gia đề án thí điểm BHTDXK, DN ngoài việc được hỗ trợ một phần phí bảo hiểm gốc còn được bảo vệ trước rủi ro kinh tế. Trong trường hợp bên mua mất khả năng thanh toán, DN bảo hiểm sẽ đứng ra thanh toán cho DN xuất khẩu, hoặc thanh toán cho ngân hàng đã cho DN xuất khẩu vay. Bên cạnh đó, DN tham gia BHTDXK khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng cũng sẽ dễ dàng hơn và có thể thay thế cho tài sản thế chấp. Nhưng kết thúc chương trình thí điểm BHTDXK, các DN bảo hiểm chỉ ký được 46 hợp đồng, gồm 23 hợp đồng BHTDXK và 23 hợp đồng hỗn hợp bảo hiểm cho cả doanh thu xuất khẩu và doanh thu bán hàng nội địa. Tổng kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 12.592 tỷ đồng. Tổng phí bảo hiểm thu được là hơn 17 tỷ đồng, tổng số tiền bồi thường thực trả là hơn 13 tỷ đồng. Nhận xét về lượng hợp đồng quá "khiêm tốn" trong giai đoạn thí điểm, các chuyên gia cho rằng, mặc dù BHTDXK là công cụ hỗ trợ đắc lực cho DN, Chính phủ đã hỗ trợ 20% phí bảo hiểm gốc của hợp đồng, DN chỉ phải đóng 80% phần còn lại, nhưng DN nước ta trên thực tế vẫn chưa có thói quen mua BHTDXK và không chuẩn bị ngân sách cho việc mua bảo hiểm. Phần lớn DN xuất khẩu đều e ngại, việc mua bảo hiểm sẽ làm tăng chi phí, dẫn đến tăng giá thành khi xuất khẩu hàng hóa.
Các mặt hàng thủy sản thuộc nhóm một được hỗ trợ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Ảnh: Trung Kiên |
Đại diện một DN hoạt động xuất khẩu cũng cho biết, mức phí tối thiểu 12.000 USD cho mỗi DN tham gia BHTDXK là chưa phù hợp và loại hình bảo hiểm này khá mới cần có thời gian để DN tiếp cận. Bởi, trên thực tế hầu hết DN Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ. Việc áp dụng mức phí bảo hiểm quá cao (0,2-0,5%/doanh số bán hàng) sẽ khiến các DN không kham nổi. Đại diện một số DN cũng kiến nghị, các công ty bảo hiểm cần ưu tiên DN vừa và nhỏ để họ tiếp cận với loại hình bảo hiểm này; vì với mức phí BHTDXK hiện nay, đối với một đơn hàng lớn thì không thành vấn đề, nhưng đối với những đơn đặt hàng trị giá vài nghìn USD thì mức phí BHTDXK là khá lớn. Một lý do khác khiến DN không mấy mặn mà khi tham gia loại hình bảo hiểm này lo ngại rò rỉ bí mật kinh doanh. Đại diện một DN cho biết, khi tham gia BHTDXK, DN phải cung cấp danh sách nhà nhập khẩu của nước ngoài để các nhà tái bảo hiểm thẩm định. Nhưng với DN, đây lại được coi là bí mật kinh doanh.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Mặc dù việc thí điểm BHTDXK gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ bồi thường cao...; song đây vẫn là một trong những loại hình bảo hiểm từ lâu đã được triển khai tại nhiều quốc gia. BHTDXK cũng luôn được coi là công cụ hỗ trợ đắc lực cho DN trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và mang lại doanh thu lớn cho DN bảo hiểm. Nhiều DN bảo hiểm đang đề xuất Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho DN để phát triển thị trường BHTDXK. Theo các chuyên gia, để triển khai thành công BHTDXK, các công ty bảo hiểm Việt Nam nên xây dựng mức phí dựa trên rủi ro. Độ rủi ro của lô hàng xuất khẩu càng cao thì mức phí bảo hiểm tương đồng. Chẳng hạn, hàng hóa EU xuất sang Indonesia chắc chắn rủi ro hơn xuất sang Singapore nên mức phí phải khác nhau, dù về địa lý thì hai quốc gia này không xa nhau. Bên cạnh đó, nên xây dựng một định chế riêng về BHTDXK song hành với chính sách hỗ trợ để DN có thể mua được BHTDXK. Việc tăng cường quảng bá sản phẩm, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các DN về loại hình bảo hiểm này cũng sẽ giúp các DN nắm bắt được tầm quan trọng của việc tham gia BHTDXK.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét