(ĐTCK) Sáng ngày 6/12, trao đổi với ĐTCK, đại diện Manulife cho biết, đã có hình thức xử lý với đại lý bảo hiểm có hành vi gian dối, giả mạo chữ ký khách hàng chiếm đoạt hợp đồng, vi phạm đạo đức, chuẩn mực hành xử.
Trước đó, một khách hàng của Manulife đã có đơn thư phản ánh việc khách hàng này bị đại lý của Manulife giả mạo chữ ký.
Cụ thể, một nhân viên mới của Manulife Việt Nam (Manulife) sau khi trải qua khóa đào tạo đại lý đã bán được hợp đồng đầu tiên. Tuy nhiên, sau đó, quản lý trực tiếp của đại lý này là bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương - mã số T3823 Manulife đã lợi dụng kinh nghiệm và uy thế làm việc lâu năm đề nghị làm hộ thủ tục cho nhân viên mới.
Trong quá trình làm thủ tục, "ma cũ" Quỳnh Phương đã thuận tay chiếm đoạt luôn hợp đồng bằng cách giả mạo chữ ký khách hàng trên một số giấy tờ.
Phản ánh của nhân viên mới cho thấy người này đã báo cáo với công ty và công ty đã triệu tập 2 cuộc họp nhưng quyền lợi chính đáng không được giải quyết, các "sếp" Manulife phớt lờ; bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương dở chiêu trò, lấp liếm, "ăn hiếp" người mới đến làm việc, hòng chiếm dụng công sức làm việc của người khác. Thậm chí, có tình trạng một số đại lý khác cùng đánh hội đồng ma mới.
Vụ việc nêu trên đã được Manulife thừa nhận với ĐTCK là có thật, nhất là sự việc giả mạo chữ ký khách hàng. Manulife cho biết thêm. sau khi phát hiện sự việc, Công ty đã triệu tập cuộc họp và các bộ phận tuân thủ và quản lý đại lý xác định có sự việc xảy ra và ra quyết định hủy hợp đồng đại lý với bà Phương, dừng hoạt động đại lý và đưa bà Phương vào danh sách "đen" của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam do vi phạm về nguyên tắc đạo đức. Điều này đồng nghĩa với việc bà Phương sẽ không được phép hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm.
Vụ việc này cho thấy nhiều vấn đề trong nội bộ nhà bảo hiểm đặc biệt là yếu tố quản trị rủi ro trong lĩnh vực nhân sự. Giả mạo chữ ký khách hàng có thể đẩy khách hàng vào nguy cơ rủi ro, bị ảnh hưởng, thậm chí thiệt hại về tài sản nếu như trong các giấy tờ có các thông tin "khập khiễng", người giao dịch ký kết một đằng nhưng người quản lý hợp đồng lại một nẻo...
Hành vi này có thể bị xử lý hành chính, thậm chí hình sự và trong một số trường hợp pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm với phần thiệt hại của khách hàng theo quy định của Bộ luật dân sự.
Điều 618 Bộ luật dân sự: "Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Pháp nhân đã bồi thường thiệt hại có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây ra thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của Pháp luật". |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét