Mặc dù các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra rầm rộ, nhưng hiện nay, mũ bảo hiểm rởm, kém chất lượng vẫn tràn ngập thị trường như một sự thách thức các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiều "chiêu" lách luật
Ghi nhận tại các con đường của TP Hồ Chí Minh như Nguyễn Trãi (quận 5), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Đỗ Xuân Hợp (quận 9)..., các điểm bày bán mũ bảo hiểm rởm xuất hiện không dễ để kiểm soát những điểm bán mũ bảo hiểm này, vì người bán bày bán mũ bảo hiểm ngay trên vỉa hè. Khi có bóng dáng cơ quan chức năng thì chủ cửa hàng dễ dàng thu đồ bỏ chạy. Mũ bảo hiểm kém chất lượng cũng được bày bán tràn lan tại các cửa ngõ dẫn vào thành phố và được tập kết tại các chợ đầu mối lớn như Bình Tây, Kim Biên để bán buôn đi các tỉnh.
Mũ thời trang bày bán trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP Hồ Chí Minh. |
Theo quan sát, đa số các loại mũ bảo hiểm rởm được bán trên thị trường đều chỉ có một lớp nhựa mỏng, nên rất dễ vỡ khi va chạm. Mũ mang kiểu dáng trẻ trung, màu sắc bắt mắt, tuy nhiên các loại mũ này không có tem hợp quy (CR), không ghi địa chỉ, tên nhà sản xuất... Một số khác được ghi là mũ dành cho người chơi thể thao, đi bộ... nhằm tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do giá khá "mềm", dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc, nên vẫn thu hút người mua.
Chị Thanh Hảo, một trong những người bán mũ bảo hiểm "di động" trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) cho biết: "Giới trẻ ưa chuộng loại mũ có kiểu dáng thời trang này nên chúng tôi vẫn nhập hàng về. Những loại mũ này nếu mua tận gốc chỉ từ 10.000 - 20.000 đồng/chiếc nên bán rất có lãi". Theo kinh nghiệm của chị Hảo, khi thấy có lực lượng chức năng đi kiểm tra thì sẽ cất hết mũ rởm mang kiểu dáng thời trang và chỉ trưng bày những mũ bảo hiểm có đầy đủ giấy tờ quy định.
Còn tại những con đường lớn của Thủ đô Hà Nội cũng không khó để bắt gặp hàng loạt điểm bán mũ bảo hiểm rởm trên vỉa hè, lòng đường. Tại đây bày bán la liệt những chiếc mũ bảo hiểm không nhãn mác, xuất xứ, "siêu mỏng", "siêu rẻ". Thậm chí, ngay trong những cửa hàng, cửa hiệu quy mô cũng trà trộn mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc. Một số mũ có dán tem CR nhưng lại là tem giả, in bằng mực đen và tên công ty cũng không rõ ràng. Những chiếc mũ này được bán với giá khoảng 40.000 đồng/chiếc.
Một người bán mũ trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội) chỉ bày một số mũ thời trang làm "đại diện" để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. |
Một chủ cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy) sau một hồi ngần ngại chia sẻ thông tin đã cho chúng tôi biết: "Những chiếc mũ này có giá rẻ, nên vẫn có nhiều người mua. Khi công an, quản lý thị trường đi qua thì đem cất đi thôi!". Người bán hàng này cho biết thêm, các điểm bán mũ bảo hiểm ven đường đa phần là hàng rởm, chủ yếu bán cho những người mua mũ để dùng tạm thời hoặc mua để đội đối phó với cảnh sát giao thông. Có chủ hàng còn gọi mũ này là "mũ chống công an".
Sau khi bị các cơ quan quản lý truy bắt nhiều lần, một số cửa hàng còn rút kinh nghiệm: không bày bán la liệt mũ ra vỉa hè mà chỉ bày một số mũ rởm trà trộn trong các mũ thật. Nhưng khi có khách hỏi mua thì "bao nhiêu cũng có".
Vẫn lúng túng xử lý
Mặc dù các cơ quan chức năng đã thắt chặt quản lý chất lượng mũ bảo hiểm bằng nhiều đợt thanh kiểm tra thường xuyên, tuy nhiên sau đó, tình trạng bày bán mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn không được xử lý triệt để. Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khẳng định, lực lượng quản lý thị trường không buông lỏng quản lý và vẫn tập trung tiến hành kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý hiện nay gặp nhiều khó khăn vì việc bán mũ trên vỉa hè đòi hỏi phải có sự ra quân quyết liệt của nhiều lực lượng, mà trước hết là cấp xã, phường.
Còn theo ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lí thị trường TP Hồ Chí Minh, sở dĩ công tác kiểm soát mũ bảo hiểm trên địa bàn còn nhiều khó khăn là do quy định của pháp luật còn nhiều sơ hở. "Hiện chưa có quy định về tiêu chuẩn chất lượng đối với các linh kiện, bộ phận hợp thành của mũ bảo hiểm", ông Bách cho hay.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt (Bộ Công an), tại Việt Nam mỗi năm có hơn 30.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 70% số vụ tai nạn có liên quan đến mô tô, xe máy và 30% số ca tử vong là do chấn thương sọ não. |
Mặt khác, quy định của pháp luật hiện cho phép nhà sản xuất tự in tem CR sau khi được cấp giấy chứng nhận hợp quy. Đây là một sơ hở để các đối tượng lợi dụng in tem CR giả lưu hành trên thị trường khiến công tác điều tra, phát hiện hết sức khó khăn... Vì vậy, theo ông Bách, Chính phủ cần quy định kinh doanh mũ bảo hiểm là một ngành kinh doanh có điều kiện, đồng thời, tem CR dán lên mũ bảo hiểm phải do cơ quan quản lí về chất lượng phát hành, không giao cho doanh nghiệp tự in, tránh tình trạng tem giả.
Ông Trần Văn Xiêm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng hàng hóa khu vực miền Nam cho biết, muốn tẩy chay mũ bảo hiểm rởm, mũ kém chất lượng, bên cạnh công tác tuyên truyền cũng cần có những chế tài xử phạt thật nghiêm đối với các doanh nghiệp, các nhà sản xuất cố tình vi phạm, gây ảnh hưởng tới tính mạng người dân khi tham gia giao thông.
Hoàng Tuyết - Thu Hồng - Hoàng Dương
Từ khoá: thị trường quy định thời trang chất lượng gia giao thông kiểm tra tai nạn giao thông giấy chứng nhận công an bão giao thông đường bộ bảo hiểm khó khăn quản lý nhà nước cơ quan quản lý nhà nước kinh doanh tham gia giao thông