(CATP) Theo đánh giá của Quỹ phòng chống thương vong châu Á, trong thời gian qua, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm (MBH) khi ngồi trên xe gắn máy tại địa bàn TPHCM tăng từ 22% lên khoảng 60%. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu dự án đặt ra là 80% và so với tỷ lệ người lớn đội MBH hiện đạt khoảng 95%, thì tỷ lệ trẻ đội MBH còn rất thấp. Điều dễ thấy, đây làâ lỗi của các bậc phụ huynh.
Học sinh trung học đi xe máy nhưng không đội MBH
Việc người lớn khi tham gia lưu thông bằng xe gắn máy đội MBH được chấp hành khá nghiêm chỉnh, nhưng không hiểu sao họ lại ngại đội MBH cho con hay nhắc nhở con trẻ đội mũ. Đó là thắc mắc của rất nhiều chuyên gia công tác tại Quỹ phòng chống thương vong châu Á. Trước cổng Trường tiểu học Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp treo rất nhiều băng rôn, áp phích tuyên truyền việc cho trẻ em đội MBH để tránh thương vong, nhưng rất ít phụ huynh chấp hành. Không những thế, một số phụ huynh nhận thấy quãng đường từ nhà tới trường ngắn nên cũng phớt lờ không đội MBH. Thậm chí nhiều người còn chở hai ba trẻ ngồi chênh vênh sau xe như làm xiếc. Tại nhiều trường học ở các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Phú... và ngay cả các trường học ở trung tâm thành phố như trường Bùi Thị Xuân, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Hòa Bình... cũng có hình ảnh tương tự. Hiện trên thị trường có rất nhiều dòng xe đạp điện có công suất động cơ lớn lên tới hơn 350W, tốc độ có thể đạt tới 40 - 50km/h, tương đương xe máy 50cc. Tuy nhiên hầu hết các học sinh đi loại xe này không đội MBH.
Để tăng tỷ lệ số trẻ đội MBH ngồi trên xe gắn máy và học sinh đi xe đạp điện đội MBH như quy định, lực lượng CSGT cần tăng cường xử phạt. Hiện nhiều CSGT còn có tâm lý nương nhẹ, sợ gây khó khăn cho học sinh như gây trễ học hay ảnh hưởng đến xếp loại hạnh kiểm của các em... Điều quan trọng là các bậc phụ huynh nên vì sự an toàn cho trẻ, hãy nhắc nhở và làm gương cho con em mình trong việc chấp hành các quy định về ATGT. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng cần thường xuyên nhắc nhở các em đội MBH.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét