Trong khi cả nước xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn thiêu rụi toàn bộ tài sản thì tiểu thương tại TP.HCM vẫn thờ ơ với "bà hỏa".
Nhìn đâu cũng thấy nguy cơ
Theo ghi nhận của PV Infonet, trong những ngày này lượng hàng đổ về các chợ trên địa bàn TP.HCM khá nhiều, hầu hết là những mặt hàng dễ cháy nổ. Trong khi đó, cách sắp xếp hàng hóa của tiểu thương khiến không gian chợ trở nên ngột ngạt và chật hẹp. Trung bình, mỗi sạp hàng chỉ rộng khoảng 1,2 đến 1,5m2. Thậm chí, nhiều chủ hàng tận dụng cả lối đi, lối thoát hiểm để chứa hàng hóa.
Đơn cử tại chợ Bến Thành, Q.1, nhiều chủ sạp hàng câu móc điện để chiếu sáng cho gian hàng ăn uống. Có chỗ còn nấu nướng ngay tại chỗ với dây điện được câu móc. Còn khách hàng thì vô tư ăn uống tại đây.
Tại chợ Bình Tây, Q.6, ngay trước cổng chợ có khẩu hiệu phòng cháy chữa cháy và biển hiệu cảnh báo cấm hút thuốc. Tuy nhiên khi vào bên trong chợ, hàng hóa giăng như mắc cửi che lấp hết cả những thiết bị phòng cháy chữa cháy như bình chữa cháy, tủ đựng vòi nước.
Tương tự, tại chợ Kim Biên, Q.5 là chợ đầu mối bày bán nhiều mặt hàng "nhạy cảm" như các hóa chất độc hại thuộc dạng cấm bán và dễ có nguy cơ cháy nổ. Bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng BQL chợ Kim Biên cho biết, BQL vẫn thường xuyên tổ chức hướng dẫn, nhắc nhở các tiểu thương thực hiện nghiêm chỉnh công tác PCCC, kêu gọi họ ký cam kết không tự ý câu móc điện và sử dụng các vật liệu dễ cháy nổ, không thắp nhang thờ cúng và đốt giấy tiền vàng mã trong quầy sạp... Song, nhiều tiểu thương vẫn chưa ý thức được hiểm họa này nên vẫn lén lút vi phạm quy định đã đề ra.
Thậm chí ngay cả chợ Dân Sinh, Q.1 là loại chợ nhỏ ở trung tâm thành phố nhưng có đến khoảng 6.500 quầy sạp chen chúc nhau. Bên cạnh đó, có những nơi nằm ở những khu vực gần các trường học khiến nhiều người dân lo lắng khi có sự cố không may xảy ra. Chẳng hạn như Thương xá Đồng Khánh, Q.5, nơi chuyên kinh doanh những mặt hàng vải chỉ cách Trường THCS Trần Bội Cơ một cánh cửa sắt lớn.
Tiểu thương "mất bò vẫn chưa lo làm chuồng"
Ông Trần Minh Hiếu, cán bộ kiểm tra an toàn PCCC, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cũng thừa nhận, các chợ và trung tâm thương mại đều được bố trí thông thoáng để dễ thoát nạn, bên ngoài được bao quanh bởi các tuyến đường giao thông để ngăn cách giữa chợ và khu dân cư. Thế nhưng, nhiều tiểu thương vẫn cố tình tận dụng lấn vạch để bày bán hàng hóa, thu hẹp đường giao thông bên ngoài.
|
Các sạp vải kín mít tại Thương xá Đồng Khánh |
Đáng lo ngại nhất là tình trạng bà con tiểu thương thường dùng loại cửa tôn cuốn che kín toàn bộ quầy sạp vào ban đêm khi nghỉ buôn bán. Điều này rất nguy hiểm vì nếu xảy ra cháy bên trong một quầy sạp nào đó, công tác phát hiện kịp thời lúc mới xảy ra cháy là rất khó cho Ban quản lý cũng như bảo vệ chợ. Đến khi đám cháy bùng phát lớn, thì các quầy sạp được che kín bằng cửa tôn cuốn này cũng là những "lá chắn" đối với các vòi rồng chữa cháy.
Trong khi, số lượng người trong ca trực ban đêm rất mỏng, chỉ từ 7 - 10 người cho hàng ngàn mét vuông diện tích. Chưa kể, một số chợ còn khóa luôn cả tủ PCCC do hay bị mất cắp các thiết bị. Một số họng chữa cháy vách tường ở các chợ cũng không có trang bị vòi và lăng chữa cháy...
Điều đáng nói nữa là hầu hết các tiểu thương đều "lắc đầu" với bảo hiểm cháy nổ vì nghĩ là không cần thiết. "Cũng có người đến chào bán mua bảo hiểm cháy nổ nhưng buôn bán dạo này đang ế ẩm lắm, lại phải đóng thuế phí thì tiền đâu mà mua bảo hiểm cả triệu đồng mỗi tháng?", một tiểu thương tại chợ Bình Tây nói.
Khi nhắc đến vụ cháy ở Trung tâm thương mại Hải Dương đã đẩy nhiều tiểu thương vào cảnh trắng tay do không mua bảo hiểm cháy nổ hàng hóa, nhiều tiểu thương tại đây xua tay: "Đang buôn bán mà nhắc tới chuyện cháy chợ làm gì. Xui lắm! Chúng tôi đã đóng tiền nên BQL chợ sẽ có trách nhiệm bảo vệ hàng hóa cho mình rồi. Hơn nữa, chợ có trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy mà ".
Ông Hồ Văn Sạn, Phó BQL Thương xá Đồng Khánh cho rằng, công tác PCCC cần phải huy động sự tham gia của rất nhiều người, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chữa cháy, ban quản lý chợ... Nhưng trước hết và quan trọng nhất là huy động sự tham gia, ý thức chấp hành an toàn PCCC của chính những tiểu thương trong chợ. Và tiểu thương cũng cần thay đổi nhận thức, không nên chỉ bảo vệ tài sản trước mắt mà cần bảo vệ hàng hóa của mình lâu dài.
Từ khoá: pccc quản lý nhà nước chợ bình tây bảo hiểm chữa cháy cháy nổ chợ kim biên bảo hiểm cháy nổ phòng cháy bảo hiểm cháy chợ dân sinh hàng hóa mua bảo hiểm cơ quan quản lý nhà nước thiết bị ban quản lý chợ nguy cơ cháy nổ tiểu thương bão chợ bến thành phòng cháy chữa cháy